Ngày Đăng: 14 Tháng 02 Năm 2018 Điện ảnh năm 2017 có nhiều mối tình vượt qua khoảng cách về tuổi tác, địa vị, sắc tộc hay cả giống loài như trong "The Shape of Water".
Film Stars Don't Die in Liverpool
Tác phẩm do Paul McGuigan đạo diễn, dựa trên hồi ký cùng tên của Peter Turner, kể về chuyện tình của ông với nữ diễn viên Gloria Grahame vào thập niên 1970 ở Liverpool (Anh). Grahame lớn hơn Turner 29 tuổi. Lúc họ gặp nhau, bà đã ngoài 50 tuổi, là minh tinh Mỹ từng đoạt giải Oscar, còn ông lận đận trong nghề.
Khi sức khỏe suy yếu bởi bệnh ung thư, Grahame muốn chuyển đến sống tại Liverpool - quê nhà Turner, nhưng các con bà từ chối và đưa bà về Mỹ - nơi nữ diễn viên qua đời. Trong phim, hai diễn viên Annette Bening và Jamie Bell diễn tròn vai đôi tình nhân lệch tuổi, yêu nhau nồng nàn ở tuổi xế chiều.
Our Souls At Night
Louis Waters (Robert Redford đóng) là ông lão góa vợ 80 tuổi. Một ngày nọ, bà lão hàng xóm Addie Moore (Jane Fonda đóng) mời ông đến ngủ cùng để bớt cô đơn. Họ chỉ trò chuyện chứ không quan hệ tình dục. Tuy nhiên, những người hàng xóm phát hiện và đồn đại họ có tư tình. Sau đó, Louis và Addie bắt đầu phát triển mối quan hệ với nhau, nhưng gặp rào cản từ gia đình, dư luận...
Our Souls At Night dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Kent Haruf, được khen ngợi bởi cách khai thác tâm lý người già, không sa đà vào các tình tiết ủy mị. Ban đầu hai nhân vật giữ khoảng cách, nhưng các cuộc chuyện trò về quá khứ dần khiến họ đồng cảm với nhau. Phim được khen ngợi ở Liên hoan phim Venice (Italy), sau đó được hãng Netflix phát hành trực tuyến.
The Shape of Water
Tác phẩm của Guillermo del Toro là tâm điểm của giới phim ảnh suốt nhiều tháng qua. Phim kể về tình yêu của một cô gái câm với thủy quái - sinh vật có khả năng cảm nhận sự tốt đẹp bên trong cô. Del Toro đưa ra thông điệp về tình yêu vượt qua ranh giới của giống loài. Chuyện tình trong phim được ông mô tả theo hướng vừa lãng mạn giống cổ tích, vừa nhuốm màu nhục dục với những cảnh ái ân.
âu chuyện tình nhuốm màu buồn bã trong "The Shape of Water"
Góc nhìn vừa nên thơ vừa trần tục của The Shape of Water được giới phê bình đánh giá cao, thể hiện qua giải Sư Tử Vàng ở Liên hoan phim Venice (Italy) và 13 đề cử Oscar. Hai cảnh thủy quái quấn quýt cô gái dưới nước là các trích đoạn tình tứ nhất phim. Ứng dụng slow-motion (làm chậm) ở cảnh này khắc họa sự mênh mang của tình yêu.
Call Me by Your Name
Tác phẩm do Luca Guadagnino đạo diễn, James Ivory viết kịch bản, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của André Aciman, là tuyệt phẩm về tình yêu của năm 2017. Ở miền quê Italy thập niên 80, chàng trai 17 tuổi Elio (Timothée Chalamet đóng) sống thư thái cùng cha mẹ trong căn nhà cổ. Mọi thứ thay đổi với sự xuất hiện của Oliver (Armie Hammer đóng) - một học giả trẻ người Mỹ - đến ở cùng gia đình Elio để hoàn thành bản thảo.
Phim phát triển theo cấu trúc tuyến tính, thể hiện tinh tế sự chuyển đổi tính cách nhân vật, từng bước cuốn vào nhau. Elio là một cậu bé mới lớn, chưa biết mình cần và muốn gì, còn Oliver là hình mẫu một trí thức trẻ người Mỹ, có những kế hoạch nghiêm túc cho bản thân, nhưng rồi bị chệch hướng bởi cảm xúc cá nhân. Phần hình ảnh nên thơ của miền quê Italy cũng hỗ trợ cho chất trữ tình của Call Me by Your Name.
On Body and Soul
Tác phẩm đoạt giải Gấu Vàng ở Liên hoan phim Berlin mô tả tình yêu mang màu sắc siêu thực giữa viên giám đốc lò mổ Endre (Géza Morcsányi đóng) và cô nhân viên kiểm tra chất lượng thịt Mária (Alexandra Borbély đóng), vốn có biểu hiện tự kỷ. Hàng đêm, hai người có chung một giấc mơ, trong đó họ hóa thành hươu và quấn quýt với nhau trong rừng. Cả hai bắt đầu tìm kiếm tình yêu đó ngoài đời.
Bối cảnh đời thực của On Body and Soul mang không khí đẫm máu - lò mổ, tương phản với vẻ thi vị của khu rừng hoang dã trong mơ. Nhân vật nam chính sống khắc khổ với nỗi đau quá khứ, còn cô gái nhút nhát và gặp khó khăn trong việc nói chuyện. Tình yêu đẹp nảy nở giữa môi trường thiếu thốn những sự liên kết và giao tiếp.
The Big Sick
Tác phẩm của Michael Showalter lồng ghép chủ đề sắc tộc, văn hóa và tình yêu qua hoàn cảnh của Kumail (Kumail Nanjiani đóng) - một diễn viên hài người Pakistan đang tìm kiếm cơ hội ở Mỹ. Gia đình chỉ cho phép anh cưới một người Pakistan theo đạo Hồi, nhưng chàng trai lại yêu Emily (Zoe Kazan đóng - một cô gái da trắng.
Nhiều nhà phê bình khen The Big Sick bởi sự duyên dáng trong cách mô tả tình yêu, đồng thời khắc họa xung đột thế hệ. Những người như Kumail xem tình một đêm là chuyện bình thường và chán ghét những cuộc hôn nhân sắp đặt cũng như truyền thống gia đình. Tình huống và lời thoại trong phim đều tự nhiên, bởi kịch bản được Kumail Nanjiani và Emily V. Gordon viết từ chính chuyện tình thật của mình. Ngoài đời, hai nghệ sĩ kết hôn năm 2007.
God's Own Country
Ngoài Call Me by Your Name, God's Own Country cũng là một phim về chủ đề đồng tính nam nổi bật trong năm . Ở vùng Yorkshire (Anh), Johnny (Josh O'Connor đóng) sống bình lặng với nghề chăn cừu. Một ngày nọ, chàng trai người Romania - Gheorghe Ionescu (Alec Secareanu đóng) - đến giúp việc chăn cừu. Ban đầu, Johnny nhạo báng Gheorghe là kẻ sống lang thang, nhưng cả hai nhanh chóng lao vào mối tình cuồng nhiệt.
Tác phẩm được trang Rotten Tomatoes chọn là một trong năm phim tình cảm hay nhất năm 2017, bên cạnh The Big Sick, Call Me by Your Name, The Shape of Water và A United Kingdom. Cây bút Guy Lodge của Variety khen ngợi tác phẩm vì bỏ qua những tình tiết dễ đoán thông thường của dạng phim đồng tính để kể một câu chuyện thu hút và có chiều sâu. Đạo diễn kiêm biên kịch Francis Lee cho biết anh viết kịch bản từ chính trải nghiệm của mình.
A United Kingdom
Tác phẩm tiểu sử kể về cuộc đời của Seretse Khama - Tổng thống đầu tiên của Botswana - và người vợ Ruth Williams. Sau Thế chiến thứ hai, chàng trai da màu Seretse (David Oyelowo đóng) học luật ở Anh. Ông gặp Ruth - cô gái lái xe cứu thương trong thời chiến, hiện đang làm công việc văn phòng. Cả hai gia đình và chính phủ Anh đều phản đối mối quan hệ này. Bởi Seretse có xuất thân hoàng tộc, giới chính trị sợ cuộc hôn nhân của ông với một phụ nữ da trắng sẽ gây bất ổn ở quê nhà.
Tuy nhiên, bộ đôi kết hôn và sát cánh trên hành trình Seretse giành độc lập cho đất nước ông. Diễn xuất của David Oyelowo và Rosamund Pike được đánh giá cao, tái hiện một trong những chuyện tình đẹp nhất thế kỷ 20. Oyelowo nổi bật trong những cảnh thể hiện nam tính và khí phách của nhân vật, còn Pike có lối diễn tinh tế ở các cảnh nhỏ.
The Lovers
Phim của đạo diễn Azazel Jacobs khá thú vị với cách lật ngược các mối quan hệ. Ngay đầu phim, đôi vợ chồng Mary (Debra Winger) và Michael (Tracy Letts) đã xa cách nhau và có mối quan hệ ngoài luồng. Tình nhân của họ thúc ép đôi vợ chồng ly dị để chạy theo tiếng gọi của tình yêu. Tuy nhiên, sau một nụ hôn buổi sáng, Mary và Michael - được đánh thức tình cảm và đam mê tình dục - lại quấn lấy nhau nồng nàn.
Sau đó, câu chuyện theo chân những nốt thăng trầm giữa bốn người - hai vợ chồng và hai nhân tình của họ. 87% nhà phê bình nhận xét phim tích cực trên Rotten Tomatoes, trong đó chủ yếu khen góc nhìn mới mẻ của câu chuyện, mô tả Mary và Michael với nhiều khoảng lặng có chiều sâu. Họ vừa yêu nhau vừa muốn thoát khỏi cuộc hôn nhân, nhưng với những lý do khác nhau.
Phantom Thread
Tài tử gạo cội Daniel Day-Lewis - người ba lần đoạt giải Oscar - tuyên bố Phantom Thread là tác phẩm cuối cùng ông tham gia. Ông thủ vai Reynolds Woodcock - một nhà thiết kế chuyên làm đồ cho giới thượng lưu Anh vào thập niên 1950. Một lần đến nhà hàng, Reynolds hứng thú với Alma (Vicky Krieps đóng) - nữ bồi bàn trẻ trung và thông minh.
Hai người yêu nhau và Alma trở thành "nàng thơ", nguồn cảm hứng sáng tạo của ông. Tuy nhiên, chuyện tình nhanh chóng gặp thử thách bởi bản tính khắt khe, tỉ mỉ của ông và sự khó lường của cô gái. Ngoài sự lãng mạn, tình yêu trong phim còn mang màu sắc đen tối do những động cơ cá nhân. Với sự chỉ đạo của đạo diễn Paul Thomas Anderson, Phantom Thread nhận sáu đề cử Oscar, trong đó có giải diễn xuất cho Daniel Day-Lewis.
Ân Nguyễn
Sources: Vnexpress |
|
|