Ngày Đăng: 11 Tháng 12 Năm 2017 Tác phẩm làm từ truyện của "Nữ hoàng trinh thám" mang làn gió mới về mặt hình ảnh nhưng cách phát triển nhân vật còn nhược điểm.
Murder on the Orient Express (Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông) được chuyển thể từ tiểu thuyết trinh thám cùng tên của Agatha Christie. Phát hành năm 1934, được tái bản 12 lần và có bản dịch ở hàng trăm quốc gia, tác phẩm đánh dấu thành công bậc nhất trong sự nghiệp của nữ tác giả Anh. Cuốn truyện kinh điển cũng được chuyển thể nhiều lần lên màn ảnh rộng và màn ảnh nhỏ, trong đó ấn tượng nhất là phiên bản điện ảnh năm 1974 của đạo diễn Sidney Lumet. Phim quy tụ nhiều ngôi sao thời bấy giờ như Albert Finney, Sean Connery và Ingrid Bergman - người sau đó đã thắng giải Oscar "Nữ diễn viên phụ xuất sắc" với màn thể hiện trong phim.
Hơn 40 năm sau, chuyến tàu tốc hành bí hiểm một lần nữa vừa tái ngộ khán giả điện ảnh qua bàn tay của đạo diễn đa tài Kenneth Branagh, người từng được đề cử Oscar ở năm hạng mục khác nhau. Anh có sự nghiệp đồ sộ, từng thực hiện đủ dạng phim như phim chuyển thể từ kịch Shakespeare (Henry V, Much Ado About Nothing), phim cổ tích (Cinderella) hay phim siêu anh hùng (Thor).
Trong dự án mới, Branagh tiếp tục thử sức ở thể loại trinh thám với vai trò đạo diễn kiêm diễn viên chính. Ngoài anh, tác phẩm quy tụ dàn diễn viên tên tuổi nhiều thế hệ như Judi Dench, Willem Dafoe, Johnny Depp, Penélope Cruz, Michelle Pfeiffer, Daisy Ridley... Tác phẩm hiện thu về đến 246 triệu USD toàn cầu, trong khi kinh phí sản xuất là 55 triệu USD. Sau thành công ở phòng vé của phim, hãng Fox đã lên kế hoạch thực hiện tập tiếp theo, nhan đề Death on the Nile, cũng dựa trên một tác phẩm của Agatha Christie.
Murder on the Orient Express xoay quanh nhân vật trung tâm là Hercule Poirot (Branagh) - một thám tử tài trí nhưng lập dị, có nét đặc trưng là mái tóc bóng mượt và bộ râu khác người. Năm 1934, sau khi phá một vụ án tại Jerusalem (lúc đó là thuộc địa của Anh), Poirot trở về Anh trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông. Anh bắt đầu làm quen với các vị khách, trong đó có Ratchett (Johnny Depp) - một người Mỹ trung niên có vẻ ngoài thành đạt nhưng ánh mắt nham hiểm. Sau một đêm tàu dừng vì lở tuyết, Ratchett bị phát hiện đã tử nạn, trên người có nhiều vết dao.
Bằng sự nhạy bén, Poirot khoanh vùng thủ phạm trong nhóm hành khách cùng khoang với ông và nạn nhân. Con số nghi phạm lên đến hơn mười người với đủ kiểu tuổi tác, cá tính và nghề nghiệp. Trong quá trình tra hỏi, lời khai của họ mâu thuẫn nhau khiến vụ án ngày càng rối rắm. Vị thám tử lừng danh phải đối mặt với bài toán khó bậc nhất trong sự nghiệp của mình.
| Poirot cùng các nhân vật. |
So với nguyên tác hoặc với phiên bản điện ảnh năm 1974, phim mới vẫn trung thành với cốt truyện chính. Những thay đổi về mặt chi tiết trong câu chuyện không làm thay đổi tuyến truyện cũng như cái kết. Đạo diễn Kenneth Branagh cùng ê-kíp xử lý tốt các yếu tố thuộc về phần nhìn như góc quay, kỹ xảo và thiết kế bối cảnh - phục trang.
Haris Zambarloukos - đạo diễn hình ảnh thường xuyên hợp tác với Branagh gần đây tiếp tục vai trò của mình trong Murder on the Orient Express. Ê-kíp chọn cách quay bằng bản phim khổ lớn 65mm từng gây ấn tượng trong bộ phim Dunkirk hồi mùa hè. Ngay phần mở đầu, tác phẩm đã phô diễn những góc máy rộng và độc đáo như cảnh quay trên đỉnh đầu tại Bức tường Than khóc (địa danh nổi tiếng tại Jerusalem) hay những cảnh đẹp tại vùng biển và đô thị phồn hoa Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Khi đến bối cảnh chính là con tàu tốc hành, các nhà làm phim thực hiện một cú máy dài (long-take) ấn tượng xuyên qua các căn phòng trong toa, hé lộ diện mạo đầu tiên và vị trí của nhóm nhân vật.
Kỹ xảo là điểm nhấn nâng tầm tác phẩm, điển hình như cảnh con tàu rời ga Istanbul dưới ánh hoàng hôn và trận tuyết lở. Những cảnh trong khoang tàu có độ chân thật nhờ ê-kíp đã xây dựng một không gian mô phỏng với hệ thống cơ học, lắc lư như một con tàu thật để các diễn viên diễn xuất trên đó. Kết hợp với việc bố trí vật dụng và dàn cảnh chuẩn mực, tác phẩm khiến khán giả như được trải nghiệm cảm giác đi trên một con tàu hỏa thập niên 1930.
| Một cảnh quay bao quát tốt của phim. |
Yếu tố thuyết phục nhất của phim là khâu đạo cụ và thiết kế phục trang. Phần thiết kế cho tàu được thực hiện chỉn chu ngay từ phía ngoài, với các chữ viết và huy hiệu sát với thực tế, kết hợp với phần mũi tàu chắn tuyết bằng thép khá hầm hố. Alexandra Byrne - nữ thiết kế từng đoạt giải Oscar - một lần nữa thể hiện sự am hiểu thời trang và văn hóa Âu Mỹ thập niên 30 - giai đoạn mà địa vị xã hội được phản ánh qua kiểu cách và chất liệu của trang phục.
Trên màn ảnh, những nhân vật có địa vị thấp của Penélope Cruz, Daisy Ridley mặc những bộ quần áo bằng cotton, còn những nhân vật cao quý của Lucy Boynton, Judi Dench khoác những bộ váy lụa là. Phục trang cũng góp phần lột tả xuất thân phức tạp của Ratchett - người cố tình ăn mặc trên mức địa vị của mình. Hắn diện bộ áo quý phái, nhưng cách nói chuyện có phần giang hồ, gợi nên tò mò về quá khứ nhân vật.
Kịch bản phim được thừa hưởng chất liệu tốt từ tiểu thuyết gốc. Tuy nhiên, với cấu trúc của một phim điện ảnh, tác phẩm khó truyền tải các đoạn thoại lập luận trong đầu thám tử - vốn là điểm đặc trưng của dòng truyện trinh thám. Đạo diễn làm mới câu chuyện khi mở rộng bối cảnh khỏi phạm vi toa tàu, rõ nhất là những đoạn thẩm vấn ngoài trời tuyết hay cảnh Poirot rượt đuổi một nghi phạm. Những trích đoạn này mang lại hiệu ứng về mặt thị giác nhưng lại vô tình phá hỏng không khí đặc sệt sự chật chội và căng thẳng như trong tiểu thuyết.
| Một cảnh quay hoa mỹ quá mức của phim. |
Cách xây dựng nhân vật của phiên bản mới cũng có điểm hạn chế. Nhân vật của dàn diễn viên phụ thượng hạng không được phát triển đầy đủ, có phần nông cạn và thiếu cá tính. Trong khi đó, vai trung tâm là thám tử Poirot chiếm thời lượng cũng như hình ảnh nhiều hơn mức cần thiết. Biên kịch nghĩ ra thêm một số tình tiết phụ xoay quanh nhân vật này, trong đó có việc ông nhung nhớ một mối tình cũ, nhưng lại không đóng góp gì cho chuyện phá án.
Kenneth Branagh dường như cố gắng thể hiện nhân vật thám tử một cách cầu toàn bằng cách giữ lại những nét hóm hỉnh và lập dị từ nguyên tác, đồng thời thêm vào những tâm tư và sự trầm lắng. Ở cảnh phá án, Poirot do anh thể hiện có bài diễn thuyết kịch tính quá đà, không giống hình mẫu nguyên tác, vốn thường phá án với phong cách hóm hỉnh. Lối diễn "lên gân" của Branagh trong đoạn này gần với phong cách kịch Shakespeare trong những tác phẩm trước đây của anh hơn là một nhân vật của Agatha Christie.
Minh Dương
Sources: Vnexpress |