Ngày Đăng: 05 Tháng 12 Năm 2017 Beret góp một tiếng nói mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh phi ngôn ngữ về quyền bình đẳng, công bằng xã hội.
Xuất hiện tại Basque, vùng Pyrenees của Pháp vào những năm 1200, mũ nồi (mũ beret) trở nên phổ biến từ giữa thế kỷ 19. Ban đầu nó được hoàng gia sử dụng và sau đó trở thành đồng phục trong quân đội. Với chất liệu thường là bình dân như len, dạ, vải tweed, mũ nồi thường gợi lên sự hiền lành, giản dị và ấm áp, phù hợp với tiết trời lạnh mùa đông của châu Âu. Qua thời gian dài dường như bị lãng quên, mùa thu đông năm nay bất ngờ đánh dấu sự tái xuất nổi bật của món phụ kiện này từ sàn diễn đến đường phố. Chúng chinh phục mọi tín đồ, trong đó có cả sao Việt.
Dưới mọi góc nhìn, làng mốt đưa ra nhiều quan điểm nhằm lý giải cho sự bùng nổ này.
| Beret được đồng loạt lăng xê trên sàn diễn Thu Đông 2017. |
Theo Independent, thời trang mới mẻ nhưng thực chất vẫn đi theo một vòng tuần hoàn. Các nhà thiết kế luôn ra sức sáng tạo và cách tân trang phục, phụ kiện ngày xưa sao cho chúng hợp mốt trở lại. Mũ nồi từng mang lại nét thanh lịch cho những nàng tiểu thư Pháp như Catherine Deneuve trong bộ phim Belle de jour, nàng Bonnie bất cần trong tuyệt phẩm Bonnie & Clyde.
Một năm trước, giới mộ điệu không ai nghĩ đội mũ nồi nữa bởi chúng từ lâu đi ngược lại chất sang trọng và thanh lịch của thời trang hiện đại. Nhưng chính các "ông lớn" không hẹn mà gặp, cùng đưa mũ nồi trở lại. Prada khiến làng mốt sửng sốt với những chiếc mũ nồi gắn chi chít phụ kiện bạc đầy nổi loạn, trong khi đó Dior thanh lịch hơn khi cắt những tấm da thành những chiếc mũ lớn che kín đầu. Simon Porte Jacquemus cách tân chiếc mũ theo hướng cứng nhọn mạnh mẽ, còn mũ nồi vải của Gucci lại thấm đẫm cảm hứng từ nhân vật Margot Tenenbaum cổ điển: phổng phao, tròn trịa và đáng yêu - một chiếc mũ dành cho những phụ nữ muốn nổi bật giữa đám đông. Ngoài ra, các nhà mốt bình dân như Topshop, H&M, Zara hay kênh bán hàng ASOS… cũng bắt kịp xu hướng với những kiểu mũ nồi bằng dạ quen thuộc hay nhấn nhá bằng cách đính ngọc trai.
Mũ nồi được hồi sinh rất kịp lúc, khi ngành nghề sản xuất phụ kiện này đang trên đà chết dần chết mòn. Ở Oloron-Sainte-Marie - thủ phủ của mũ nồi tại Pháp, 40 năm trước có đến 15 nhà máy chuyên sản xuất mũ nồi. Đến đầu thế kỷ 21, Bernard Fargues, giám đốc Beatex - nhà máy sản xuất mũ nồi đầu tiên còn tồn tại đến nay, cho biết hiện chỉ còn một nhà máy hoạt động cầm chừng do thời trang thiếu nhu cầu. Việc đưa mũ nồi trở lại sẽ cứu rỗi thành công một trong những phụ kiện thời trang đình đám một thời.
The Guardian phân tích lý do quan trọng hơn cả là sự trỗi dậy của mũ nồi phản ánh một xu hướng tất yếu của làng mốt hiện tại: thời trang liên quan chính trị - xã hội.
Trong bối cảnh xã hội ngày một phức tạp, hỗn loạn, khi không thể lên tiếng, người ta có rất nhiều cách phi ngôn ngữ giúp thể hiện quan điểm, lý tưởng. Trong làng mốt, quần áo là một phương tiện để truyền tải thông tin chính trị.
Trong quá khứ, nhà nhân chủng học Wednesday Martin từng nhận xét bộ sưu tập New Look của Christian Dior đóng một vai trò rất lớn trong việc thiết lập lại vai trò của phụ nữ trong xã hội. Nó giống như hồi chuông thúc giục thế giới hãy khép lại thời kỳ sống khắc khổ, tôn vinh vẻ đẹp nữ tính, gợi cảm của phụ nữ.
| Thông điệp chính trị, xã hội xuất hiện trên sàn diễn. |
Năm nay, mối quan hệ giữa thời trang và chính trị trở nên mật thiết hơn bao giờ hết khi làng mốt coi đây là năm của những cuộc đấu tranh tư tưởng, đòi công bằng xã hội. Trên sàn diễn, sau những chiếc áo khoác hoodie in cờ ngôi sao EU của Vetements, áo thun in tuyên ngôn đấu tranh cho nữ quyền của Dior, người ta thấy Nike in cả áo thun ủng hộ chính trị gia Jeremy Corbyn của Anh.
Việc mũ nồi trở lại là lẽ dĩ nhiên, chỉ là sớm hay muộn. Nhà cách mạng vĩ đại của Cuba - Che Guevara - đã gắn liền với hình ảnh mũ nồi áo lính trong những ngày hoạt động của thập niên 1960. Khi ông qua đời, chiếc mũ vẫn được các nhà hoạt động dân tộc và xã hội sử dụng như một biểu tượng của sự cách mạng. Thời trang hiện tại cũng đang thông báo sự "thức tỉnh" của riêng mình thông qua việc hồi sinh chiếc mũ mang tính biểu tượng một thời để hòa nhập vào xu thế chung của thế giới.
Chiếc mũ biểu tượng của thời trang Pháp cũng có sự gắn kết đặc biệt với nhiều nhân vật sáng tạo và nổi loạn. Làng văn hóa xem đây là chiếc mũ của những nhà tư tưởng tự do và có đầu óc. Nhà văn Mỹ Ernest Hemingway, họa sĩ thiên tài Pablo Picasso, diễn viên hài Benny Hill, nữ ca sĩ Edith Piaf, nữ minh tinh Marlene Dietrich, "biểu tượng sex" Brigitte Bardot, nhạc sĩ John Lenonn và vợ Yoko Ono… đều chuộng chiếc mũ này.
| Hình ảnh chiếc mũ nồi gắn liền với "biểu tượng sex" Brigitte Bardot. |
Ngoài ra, ít có món phụ kiện nào đạt được sự trung tính về mọi mặt như mũ nồi. Nam nữ đều có thể đội. Nghiêm chỉnh như quân đội hay cá tính như nghệ sĩ đều có thể sử dụng mũ nồi thường xuyên. Nó có thể là biểu tượng của sự trầm ổn, lãng du nhưng không hề lạc điệu khi đi cùng hình ảnh nổi loạn. Dù với bất kỳ lý do nào, sự trở lại mạnh mẽ của mũ nồi cũng ít nhiều phản ánh chiều sâu của giới nghệ thuật trong các vấn đề xã hội.
Sao Mai
Sources: Vnexpress |