Ngày Đăng: 20 Tháng 09 Năm 2017 Đạo diễn Nguyễn Đức Việt, Nguyễn Xuân Thành, Thanh Vân không hài lòng với những trả lời của đại diện công ty chủ quản.
Sáng 20/9 tại Hà Nội, các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam tập hợp để lên kế hoạch trình bày bức xúc của họ với Hội Điện ảnh về tình hình sau cổ phần hóa của hãng. Họ cho biết chưa hài lòng với các câu trả lời của ông Nguyễn Thủy Nguyên - chủ tịch công ty vận tải thủy Vivaso (đơn vị mua lại hãng phim) trong cuộc họp chiều 19/9.
Một trong những điều khiến nghệ sĩ hoang mang là việc ông Thủy Nguyên cho rằng họ làm ăn thua lỗ gây nợ 21 tỷ đồng cho hãng. "Chúng tôi không biết chuyện này. Tôi rất muốn kiểm tra con số ông Nguyên đưa ra nhưng không có thẩm quyền. Ông Nguyên đổ cho chúng tôi về khoản nợ là không đúng", đạo diễn Nguyễn Đức Việt nói.
Theo nhà làm phim sinh năm 1961, thời điểm đó có những phim nhà nước đưa xuống và các nghệ sĩ chỉ làm theo đơn đặt hàng nên không đi vay tiền ngân hàng hay thế chấp hãng để gây ra khoản nợ nào. Ông Đức Việt nhớ lại hai năm trước, hãng chỉ nợ 5 tỷ đồng. "Tôi còn nghi ngờ trong lúc đang chuyển giao, họ gộp cả khoản nợ nào đó vào chứ không thể có lãi suất nào khủng khiếp đến mức nợ tăng nhiều như vậy", ông nói.
Còn nhà biên kịch - đạo diễn Nguyễn Xuân Thành chia sẻ tập thể nghệ sĩ không hài lòng khi các khúc mắc chưa được giải quyết. "Chủ tịch không trả lời mà nhiều lần đi sâu vào chi tiết đời tư để xúc phạm nghệ sĩ. Tôi hỏi cách đánh giá công việc cụ thể thế nào để chấm lương thì ông Nguyên chưa nêu rõ", ông nói.
Nhiều nghệ sĩ không đồng tình với sự mâu thuẫn trong cách ban lãnh đạo xử lý các khúc mắc. "Họ bảo cứ lên văn phòng sẽ được tính lương, nhưng trước đó lại bảo các biên kịch về nhà làm để đỡ tốn điện. Họ bảo khoản lương thấp trả cho chúng tôi là tạm ứng, nhưng đến giờ chưa đưa ra ba-rem hay lộ trình lương", ông Nguyễn Xuân Thành nói.
Đạo diễn Thanh Vân cho rằng công ty chủ quản mới không đủ trình độ văn hóa cũng như tiềm lực tài chính để phát triển hãng phim. "Họ không có khả năng làm phim, cách cư xử như trong buổi hôm qua cũng không cho thấy sự hiểu biết về văn hóa. Tầm nhìn của họ cũng hạn hẹp thể hiện qua việc cho thuê bán đồ ăn để kiếm những khoản tiền nhỏ", ông nói.
Trước các bức xúc của nghệ sĩ, ông Nguyễn Thủy Nguyên khẳng định không né tránh các câu hỏi và đang xem xét chế độ lương, kịch bản làm phim của hãng.
Chủ tịch Vivaso cho biết thêm đã nhận một số kịch bản từ nơi khác gửi đến. "Hôm nay chúng tôi ứng tiền để lập đoàn làm phim bởi trong hãng đủ nhân sự cho mọi vị trí. Ngoài ra, ê-kíp dự án Người yêu ơi đang chọn cảnh, tháng sau sẽ quay. Tiền phim này hoàn toàn chúng tôi chịu chứ không phải Cục điện ảnh", ông Nguyên nói.
Sáng 20/9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đến hãng phim để thị sát. Ông gặp một số nghệ sĩ như nhà biên kịch Nguyễn Xuân Thành, họa sĩ Thành Chương và trò chuyện với người dân xung quanh. Ông Nguyễn Xuân Thành đã trình bày tình hình của hãng với Phó thủ tướng và mong cấp thẩm quyền sớm giải quyết các vấn đề liên quan.
Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) là hãng phim nhà nước được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật. Trong quá khứ, đơn vị có nhiều phim gây tiếng vang như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Bao giờ cho đến tháng Mười...
Tuy nhiên, 20 năm gần đây nhiều dự án của hãng liên tục thua lỗ. Năm 2014, phim chiến tranh Sống cùng lịch sử có kinh phí lên đến 21 tỷ đồng nhưng chỉ bán được vài vé. Năm 2016, hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị hồi tháng 6. Hiện tại, hãng mang tên Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ bức xúc vì tình hình chậm lương, lương thấp và không có định hướng làm phim của ban lãnh đạo mới.
Ân Nguyễn
Sources: Vnexpress |