Ngày Đăng: 27 Tháng 08 Năm 2017 Tài tử từng gây thất vọng với dự án "thảm họa" như "R.I.P.D" nhưng gây thiện cảm với "Deadpool", "The Hitman's Bodyguard".
"Van Wilder: Party Liaison" (2002)
Dù bắt đầu diễn xuất từ năm 1993, phải tới năm 2002 Ryan Reynolds mới gây chú ý trong Van Wilder: Party Liaison. Tài tử người Canada vào vai Van Wilder - một anh chàng siêu quậy mãi không chịu tốt nghiệp. Khi ở lại trường tới tận năm thứ bảy, câu chuyện về Wilder thu hút sự chú ý của nữ phóng viên xinh đẹp Gwen (Tata Reid). Cuộc gặp gỡ với Gwen thay đổi hoàn toàn cuộc sống của Wilder.
Tác phẩm không được lòng giới phê bình bởi lối hài nhí nhố, song lại được nhiều khán giả trẻ ưa thích. Với kinh phí chỉ 5 triệu USD, phim đạt doanh thu đến 38 triệu USD. Nhờ tác phẩm này, Ryan Reynolds bắt đầu tạo dựng tên tuổi theo cách oái oăm. Anh bộc bạch trong một cuộc phỏng vấn trên GQ: "Bộ phim khiến tôi mang tiếng là một anh chàng tiệc tùng. Tôi cứ bước vào quán bar là mọi người sẵn sàng mời rượu miễn phí".
"Just Friend" (2005)
Tài tử thủ vai chàng mập Chris thầm thương trộm nhớ Jamie (Amy Smart) - một cô nàng nóng bỏng cùng trường. Sau khi cô nói chỉ xem Chris "như anh trai", anh quyết tâm rời bỏ quê nhà và thay đổi hoàn toàn. Nhiều năm sau, Chris trở nên thon gọn, đẹp trai và có sự nghiệp thành công. Một sự cố bất ngờ khiến anh chạm mặt tình cũ.
Just Friend thu về 51 triệu USD và được tờ Entertainment Weekly nhận xét là "một phim tình cảm pha hài thú vị đến bất ngờ". Trong phim, Reynolds gây ấn tượng khi hóa trang thành một chàng béo khiến nhiều người không nhận ra. Ngoài ra, anh cũng thể hiện khả năng diễn hài duyên dáng.
"Definitely, Maybe" (2008)
Với vẻ ngoài điển trai, Reynolds phù hợp với vai nam chính trong những phim tình cảm. Trong Definitely, Maybe, anh thủ vai Will - một ông bố đang trong quá trình hoàn tất thủ tục ly dị. Khi con gái Maya (Abigail Breslin) hỏi về lý do ly dị, anh kể cho cô bé ba cuộc tình của mình nhưng không tiết lộ ai là mẹ Maya.
Tờ Empire nhận định bộ phim "có đủ mọi thứ mà một phim tình cảm pha hài nên có: sự ngọt ngào, hài hước và giải trí". Diễn xuất của Reynolds được khen ngợi bởi liên tục biến hóa cảm xúc khi đóng cặp với ba bạn diễn nữ Isla Fisher, Rachel Weisz và Elizabeth Banks.
"X-Men Origins: Wolverine" (2009)
Ryan Reynolds nhiều lần cho biết anh hâm mộ truyện tranh và sẵn lòng đảm nhiệm vai Wade Wilson (Deadpool). Cơ hội đến trong X-Men Origins: Wolverine khi hãng Marvel quyết định cho nhân vật làm kẻ phản diện, đối đầu với Wolverine.
Ban đầu, Reynolds chỉ định góp mặt chớp nhoáng, song các nhà sản xuất quyết định tăng thêm đất diễn cho anh. Tài tử gây ấn tượng bởi việc tập luyện cùng kiếm cho các màn đánh đấm. Tuy nhiên, hình tượng Deadpool của anh trong phim không được đánh giá cao bởi cứng nhắc và quá khác nguyên tác.
"The Proposal" (2009)
Nhiều khán giả khen ngợi và xem đây là phim tình cảm pha hài nổi bật nhất năm 2009. Reynolds thủ vai chàng trợ lý Andrew phải đóng vai hôn phu của sếp Margaret (Sandra Bullock) khi cô đứng trước nguy cơ bị trục xuất khỏi Mỹ. Để có thể diễn trọn vai tình nhân, Andrew đưa Margaret về ra mắt đại gia đình và gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười.
Sự kết hợp ăn ý của Reynolds với đàn chị Bullock làm nên thành công cho phim. Tờ Huffington Post nhận xét về sự ăn ý của hai ngôi sao: "Khán giả không khỏi rời mắt khỏi màn hình nhờ sự kết hợp tuyệt vời của Sandra Bullock và Ryan Reynolds. Họ thực sự tài tình trong diễn hài và toát ra sự lôi cuốn".
"Buried" (2010)
Trong dịp ra mắt tại Liên hoan phim Sundance (Mỹ), Buried được đánh giá cao, trong đó nhiều lời khen dành cho Ryan Reynolds trong vai tài xế xe tải tỉnh dậy trong cỗ quan tài. Phim xoay quanh cuộc chiến sinh tồn của nhân vật này.
Trên Rotten Tomatoes, phim được 87% bài đánh giá tích cực với lời bình: "Đây là sân khấu hoàn hảo để phô bày tài năng của Ryan Reynolds". Đây là vai diễn hiếm hoi tài tử thể hiện khả năng diễn nội tâm mạnh mẽ, chứ không chỉ đóng khung vào mẫu nhân vật điển trai. Anh thở phào khi phim kết thúc: "Tôi sẽ không bao giờ phàn nàn về điều gì sau khi tham gia phim này. Hơn hai tuần liền nằm trong một chiếc quan tài quả thực là sự tra tấn về tinh thần".
"Green Lantern" (2011)
Vượt qua nhiều ứng viên nặng ký, Reynolds được mời thủ vai người hùng Hal Jordan (Green Lantern) trong bộ phim năm 2011. Nhân vật là một phi công bất ngờ được trao một chiếc nhẫn quyền năng, phải đương đầu với một kẻ hủy diệt trong vũ trụ. Tuy nhiên, dự án này là cơn ác mộng đối với tài tử khi đại bại cả về chất lượng lẫn doanh thu. Thất bại này giáng một đòn mạnh vào Reynolds, khi đó đang trên đà thăng tiến thành sao hạng A ở Hollywood.
Reynolds có xích mích với đạo diễn Martin Campbell từ lúc quay phim và thú nhận trên Guardian thấy may mắn vì phim thất bại, bởi sẽ không bao giờ phải thủ vai Hal Jordan nữa. Sau này, khi đóng Deadpool, anh tự chế nhạo vai diễn cũ bằng câu thoại: "Đừng cho tôi thành siêu anh hùng mặc đồ xanh (màu trang phục của Green Lantern)".
R.I.P.D. (2013)
phong-do-dien-xuat-cua-ryan-reynolds-qua-15-nam-6
Đây được xem là tác phẩm "thảm họa" của Ryan Reynolds khi chỉ nhận 13% bài đánh giá tích cực trên Rotten Tomates và điểm 5,6/10 trên IMDb. Ở phòng vé, phim cũng gây thất vọng với doanh thu 78 triệu USD, trong khi kinh phí lên đến 130 triệu USD. Jeff Bridges và Ryan Reynolds thủ vai hai cảnh sát quá cố, sau đó trở thành người chuyên săn lùng các hồn ma. Nếu tài tử gạo cội vẫn có khoảnh khắc đáng nhớ, Reynolds hoàn toàn mờ nhạt trong phim.
"Deadpool" (2016)
Phim 18+ gây sốt là bước đột phá trong sự nghiệp Ryan Reynolds. Anh thủ vai chính Deadpool - siêu nhân có lối hành xử dị thường. Tác phẩm ghi điểm nhờ bám sát truyện tranh gốc và xây dựng mẫu nhân vật chính phá cách với lối ăn nói bỗ bã, hay chửi thề và thường xuyên trò chuyện trực tiếp với khán giả.
Phim khai thác được tối đa tài năng của Ryan Reynolds ở cả mảng hài lẫn hành động. Phong cách tưng tửng, diễn hài với gương mặt tỉnh bơ và cái miệng liến thoắng của Reynolds hoàn toàn chinh phục khán giả. Deadpool thu về 783 triệu USD để trở thành phim 18+ ăn khách nhất lịch sử.
"The Hitman's Bodyguard" (2017)
Reynolds tiếp tục tham gia dòng phim hành động pha hài với The Hitman's Bodyguard. Lần này, anh kết hợp ngôi sao kỳ cựu Samuel L. Jackson để hóa thân thành cặp đối nghịch buộc phải bảo vệ nhau trên hành trình chạy trốn. Nhân vật Michael của Reynolds là vệ sĩ hết thời mang phong cách nghiêm túc, đối lập hoàn toàn với vẻ bất cần, vô lo của nhân vật do Jackson thủ vai.
Sự khác biệt của cả hai gây nhiều tiếng cười trong The Hitman's Bodyguard. Reynolds thể hiện được sự ức chế ngầm của nhân vật Bryce khi quan điểm lý tưởng liên tục gặp trở ngại trong đời thực. Khuôn mặt của tài tử sinh năm 1976 vừa điển trai vừa có nét dí dỏm. Bên cạnh những màn hài hước, anh cũng thể hiện tốt các cảnh rượt đuổi, hành động trong phim.
Thịnh Joey
Sources: Vnexpress |