Ngày Đăng: 03 Tháng 04 Năm 2017 Đạo diễn "Dạ cổ hoài lang" buồn vì sai sót sửa ảnh vợ ông Tưởng Giới Thạch làm ảnh thờ trong phim và hứa rút kinh nghiệm.
- Việc ê-kíp "Dạ cổ hoài lang" sửa ảnh bà Tống Mỹ Linh - vợ ông Tưởng Giới Thạch - thành ảnh thờ trong phim gây xôn xao dư luận. Anh chia sẻ gì về điều này?
- Tôi đồng tình với ý kiến đóng góp của mọi người và thấy tiếc khi cả ê-kíp cố gắng làm phim nghiêm túc lại để xảy ra việc như vậy. Trước đây, từng có chuyện chương trình "Đấu trường tiếu lâm" dùng ảnh ca sĩ Lee Areum - cựu thành viên nhóm nhạc Hàn Quốc T-ara - làm ảnh thờ. Biết vậy, tôi đã căn dặn kỹ ê-kíp và yêu cầu dùng hình diễn viên của Dạ cổ hoài lang để chỉnh sửa chứ không lấy hình trên mạng. Nhưng rồi sự cố vẫn diễn ra ngoài ý muốn.
Tất nhiên, nếu để ý từng chi tiết nhỏ, một bộ phim sẽ có nhiều sai sót. Có cái sai người làm phim thấy, khán giả không thấy. Có sai sót khán giả thấy còn đoàn phim không thấy. Mỗi sự việc xảy ra đều cho chúng tôi một bài học và phải nghiêm túc đón nhận.
- Trong thị trường với dòng phim hài đang thắng thế, tại sao anh chọn dự án bi như "Dạ cổ hoài lang"?
- 10 năm trước, thế hệ của Dũng, Vũ Ngọc Đãng, Lê Hoàng, Lê Bảo Trung đã xây dựng dòng phim thị trường - các tác phẩm theo cùng một công thức và ăn khách. Nhưng sau 10 năm, tôi nghĩ cả khán giả và giới làm nghề cũng ngán rồi. Với tôi, thị trường phim giống như các món ăn. Ăn một món mãi người ta sẽ có nhu cầu thử món khác.
Với Dạ cổ hoài lang, tôi không biết có thể thuyết phục khán giả hiện nay không. Tuy nhiên, tôi mong tiếp cận đối tượng gia đình, bao gồm những người lớn tuổi. Ngoài ra, điều kiện bây giờ thuận lợi hơn 5 - 10 năm trước để làm phim này. Tiền đầu tư cao hơn, điều kiện đi lại dễ dàng hơn và thiết bị nhỏ gọn hơn.
- Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất với anh trên trường quay?
- Đáng nhớ nhất là cảnh trên sân thượng của hai ông già. Đêm đó là đêm kinh hoàng của đoàn phim. Sân thượng được thuê tại một khu lao động phức tạp ở phố Tàu, Toronto (Canada). Vì vậy, đoàn có tâm lý sợ hãi khi quay. Thêm nữa, thời tiết âm 20 độ C với bão tuyết thử thách sức chịu đựng của mọi người.
Chúng tôi quay từ sáu giờ tối hôm trước xuyên đêm đến bốn giờ sáng ngày hôm sau. Diễn viên chính chỉ được nghỉ ngơi vài phút và phải làm việc liên tục với nhiều đoạn thoại dài. Khi hoàn thành các cảnh, mọi người vẫn không hiểu vì sao đoàn có thể vượt qua một đêm vất vả như vậy. Nhưng chính không khí như thế đã giúp các nghệ sĩ diễn xuất chân thật.
| Ảnh vợ ông Tưởng Giới Thạch (trái) được sửa thành bức ảnh thờ nhân vật Út Trong của phim. Hiện tại, ảnh đã được thay trong các bản phim chiếu rạp mới. |
- Vì sao anh chọn tên ca sĩ Mỹ Tâm - bạn thân của anh - để đặt cho một nhân vật trong phim?
- Tôi suy nghĩ tên nhân vật nhiều lắm. Trong kịch thì cô gái không có tên, dù ở đoạn cuối, có chi tiết nói bà nội muốn đặt tên cô là Khế - nghĩa là quê hương. Nhưng tôi nghĩ việc lấy tên Khế hơi áp đặt về mặt ý nghĩa.
Trước đây, tôi nghe Mỹ Tâm lý giải tên của cô là "vẻ đẹp trong tâm hồn". Truyền thống người Việt thường đặt tên con có ý nghĩa. Đồng thời tôi cũng muốn thể hiện sự rộng mở trong tấm lòng người bà khi đặt tên cho cháu. Dù họ có áp đặt mong mỏi của họ lên cháu, họ vẫn hiểu và chia sẻ với tuổi trẻ. Tên Mỹ Tâm rất hiện đại chứ không phải nhà quê.
- Ở kịch, vai ông Tư gắn liền với nghệ sĩ Thành Lộc, còn ông Năm gắn liền với nghệ sĩ Việt Anh. Tại sao anh chọn Hoài Linh và Chí Tài cho hai vai này trên màn ảnh rộng?
- Tôi có nghĩ đến việc mời Thành Lộc vì không bao giờ quên được ký ức về các lớp diễn của anh và Việt Anh. Tuy nhiên, tôi nghĩ phim và kịch khác nhau. Nếu cả phim và kịch cùng một ê-kíp, sẽ không ai đi xem.
Có nhiều lý do để chọn Hoài Linh và Chí Tài. Tên tuổi của hai anh góp phần khiến nhà đầu tư có niềm tin. Ngoài ra, tôi thấy Hoài Linh chuyên diễn hài nhưng có những đoạn bi rất tốt. Còn Chí Tài gây ấn tượng cho tôi sau phim Trúng số. Một điều quan trọng khác là hai anh sống ở hải ngoại nhiều năm, có trải nghiệm xa quê và từng sống chung với những người thuộc dạng nhân vật được khắc họa trong phim.
- "Dạ cổ hoài lang" bị nhận xét là chịu nhiều ảnh hưởng của phiên bản gốc trên sân khấu chứ chưa có ngôn ngữ điện ảnh. Anh nói sao?
- Phim được chuyển thể từ một kịch bản sân khấu nên có hơi hướng kịch, nhiều thoại và câu chuyện hầu như chỉ diễn ra trong nhà. Tôi có sửa gì cũng rất khó để phim không còn mang dáng dấp kịch. Bản dựng này đã được chỉnh cho dễ xem chứ bản đầu nặng nề hơn.
Ở một đoạn đối đáp gần cuối phim của nhân vật ông bố (Johnny Trần) và cô cháu gái (Trish Lê), tôi có quay cảnh minh họa chen vào, nhưng khi dựng phim quyết định giữ lại cả trường đoạn nhiều thoại đó. Đôi khi những cảnh minh họa không bằng biểu đạt cảm xúc của diễn viên.
| Nguyễn Quang Dũng và Hoài Linh trên trường quay |
- Nguyễn Quang Dũng làm mới mình như thế nào khi bị chê là cá tính điện ảnh nhạt nhòa?
- Nếu ai theo dõi sẽ thấy tôi thử nghiệm nhiều lắm. Tôi là người đầu tiên đưa chữ “chết” vào một phim chiếu Tết (Nụ hôn thần chết). Rồi Giải cứu thần chết là phim tuổi teen, Những nụ hôn rực rỡ là phim ca nhạc, Mỹ nhân kế là phim 3D hành động, Siêu nhân X là phim siêu anh hùng trào phúng. Dự án mới ra mắt Dạ cổ hoài lang là một phim có nhiều thách thức trong việc bán vé. Thậm chí, có người nghe tên phim lại nghĩ đến cải lương hay thể loại cổ trang.
Tôi nghĩ khi đi hết một vòng thì sẽ trở lại vạch xuất phát, nhưng với một tâm thế lớn hơn. Tôi thích tìm tòi, thử nghiệm những cái mới. Hồi bắt đầu làm phim, tôi nghĩ phải thay đổi để kéo khán giả. Nhưng sau đó, tôi đau đáu câu hỏi: "Mình làm phim với mục đích gì?" Rồi tôi nhận ra, điều quan trọng của nghề là sau mỗi tác phẩm mình có điều kiện làm nhiều cái mình thích hơn, ví dụ như dự án này. Trong nghệ thuật, cuối cùng, được làm những gì mình muốn là quan trọng nhất.
- Sau "Dạ cổ hoài lang", dự án tiếp theo của anh là gì?
- Tôi sẽ đạo diễn phiên bản Việt hóa phim Sunny của Hàn Quốc. Tôi hơi e ngại khi nhận lời mời bởi đây là dạng phim hồi ký, mang tính nghệ thuật cao. Mình chuyển thể thì chắc không hay bằng người ta, mà cũng khó khác nhiều bởi tác phẩm gốc đã quá xuất sắc rồi.
Ở làng phim ảnh trong nước hiện nay, tôi thấy việc làm lại và chuyển thể phim là một xu hướng cần thiết. Chúng ta cần những câu chuyện mới để làm đa dạng hơn màu sắc, trong khi đó, nguồn kịch bản có sẵn từ nước ngoài nằm trong số các chất liệu chính.
Ngoài ra, tôi nghĩ sáng tạo của tác giả cần phải được tận thu. Ví dụ như Dạ cổ hoài lang, tác giả Thanh Hoàng ngày xưa chỉ được nhận lương kịch, thì giờ khi tôi chuyển thể tác phẩm anh lại được nhận tiền từ phim, rồi có thể nhiều hình thức khác nữa. Đó là điều người nghệ sĩ mong nhất, bởi có người cả đời chỉ có vài ba tác phẩm. Họ cần phải tận thu để có điều kiện tiếp tục làm ra những thứ mới.
- Từ lâu anh ấp ủ chuyển thể truyện "Chiếc lược ngà" - tác phẩm nổi tiếng của cha anh, cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Vì sao anh chưa thực hiện?
- Đây là dự án tôi ấp ủ dành tặng cha tôi. Hiện tại, tác phẩm vẫn là điều quá sức với tôi. Về kinh phí, phim cần có sự đầu tư lớn. Ngoài ra, khán giả Việt Nam vốn có định kiến với dòng phim chiến tranh. Thị trường trong nước có giai đoạn tới 90% là phim chiến tranh (do nhà nước sản xuất) nhưng lại không hay, khiến người xem ngán ngẩm. Việc tôi cần làm là xóa nhoà tư tưởng đó. Dạ cổ hoài lang cũng là cơ hội cho tôi kiểm nghiệm thị trường. Nếu tác phẩm thành công, tôi nghĩ nó sẽ mở đường cho nhiều dự án khác, trong đó có Chiếc lược ngà.
- Luôn bận rộn với công việc làm phim, làm giám khảo chương trình truyền hình, bao giờ anh nghĩ đến chuyện lập gia đình?
- Cuộc sống hiện tại của tôi rất thoải mái. Sáng dậy, tôi uống cà phê rồi đi làm việc. Chiều về, tôi đi đánh bóng bàn. Tối ngồi với bạn bè, rất nhàn nhã. Về chuyện lập gia đình, tôi nghĩ chắc vẫn chưa đâu vì đời độc thân vui quá. Tôi vẫn chưa quen được với việc có thêm một người ở bên cạnh mình.
Ân Nguyễn thực hiện
Sources: Vnexpress |