Ngày Đăng: 17 Tháng 02 Năm 2017 Bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh - chia sẻ về việc kiểm duyệt phim ra rạp Việt sau khi áp dụng thông tư mới từ ngày 1/1.
- Bà nhận định rạp chiếu ở Việt Nam có những thay đổi gì từ sau thông tư số 12/2015 (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) áp dụng Tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi mới gồm bốn mức - P, C13, C16 và C18?
- Tôi thấy đa số các nhà phát hành phim đều thực hiện đúng quy định, chưa thấy họ phản ánh khó khăn gì lớn. Dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, lượng khán giả đến các rạp chiếu đông không kém gì các năm trước. Tình trạng "cháy vé" không phải là hiếm. Tôi khẳng định phim có doanh thu cao nhất trong các phim ngoại và phim có doanh thu cao nhất trong các phim nội là các phim được cấp phép với phân loại C16 (phim ngoại là xXx: Phản đòn và phim nội là Nàng tiên có 5 nhà). Bởi vậy, những người nói "dán nhãn C13 khiến phim nội thất thu" thực sự chỉ là bao biện.
| Cục trưởng Cục Điện ảnh - bà Ngô Phương Lan. |
- Vì sao dù cơ quan chức năng đã dán nhãn để phân loại phim theo lứa tuổi, tác phẩm ra rạp Việt vẫn bị cắt cảnh?
- Việc cấp phép phổ biến phim tại rạp được thực hiện theo Luật Điện ảnh, theo đó phim được cấp phép là phim không vi phạm “Những hành vi bị cấm trong hoạt động điên ảnh” quy định tại Điều 11 Luật Điện ảnh và Điều 9 Nghị định 54/2010. Việc phân loại theo độ tuổi là một công đoạn nằm trong quá trình thực hiện việc thẩm định và cấp phép phổ biến phim. Bởi vậy, nếu phim chứa những cảnh vi phạm luật, nhà sản xuất, nhà phát hành có thể xin rút không phổ biến tại Việt Nam hoặc chỉnh sửa cho hết những cảnh vi phạm đó. Nếu Hội đồng để những phim có cảnh vi phạm luật ra rạp, chính Hội đồng sẽ vi phạm luật.
- Có những phim kiểm duyệt gây ảnh hưởng tới cảm xúc của người xem và nhịp phim như "50 sắc thái đen". Ý kiến của bà thế nào?
- Vừa qua, tôi đọc một bài báo có tên “Rạp chiếu không cho đàn ông vào rạp xem 50 sắc thái đen" kể câu chuyện rạp phim ở Ireland cấm đàn ông đi một mình và cảnh báo các cặp đôi phải giữ khoảng cách ra sao khi vào xem phim này, vì phim bị liệt vào dạng phim khiêu dâm. Ở Việt Nam, Hội đồng đã thẩm định kỹ lưỡng và buộc phải yêu cầu nhà phát hành lược bỏ những cảnh phim mang tính khiêu dâm, vì nó vi phạm Luật Điện ảnh. Những cảnh yêu đương, tình dục phù hợp với quy định 18+ thì vẫn còn nguyên. Bởi vậy, tôi nghĩ khán giả dành cảm xúc cho loại phim khiêu dâm không nên tìm xem loại phim này tại rạp Việt Nam, chứ không chỉ với trường hợp 50 sắc thái đen.
- Vì sao có những phim được kiểm duyệt lỏng tay như "Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2" (dán nhãn P, vì thế trẻ em vẫn có thể vào rạp xem vài cảnh nhạy cảm)?
- Báo chí nhắc nhiều đến trường hợp Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2, cho rằng việc dán nhãn "lỏng tay" so với Mỹ (PG 13). Trước tiên, phải hiểu PG 13 (PG-13: Parents Strongly Cautioned ) là cảnh báo "các bậc phụ huynh đặc biệt chú ý" chứ không phải là "Cấm khán giả dưới 13 tuổi" (C13) như ở VN.
Tuy nhiên, cách đây 10 ngày, tôi đã có cuộc họp để kiểm lại việc thẩm định phân loại của Hội đồng, bởi tất cả phiếu thẩm định và phiếu phân loại của các thành viên hội đồng đều đánh giá phim phù hợp phổ biến rộng rãi. Hội đồng đánh giá đây là phim cổ trang có yếu tố thần thoại, mà trước đó seri phim Tây Du ký được phát đi phát lại trên truyền hình đã rất nổi tiếng và được trẻ em Việt đặc biệt yêu thích. Hơn nữa, nội dung phim là trừ diệt cái ác để bảo vệ cái thiện, các cảnh "chiến đấu" diệt trừ yêu ma cũng tương tự như trong phim Tấm Cám (được phổ biến rộng rãi). Cảnh được cho là hở hang trong phim hoàn toàn không phải là cảnh khỏa thân cho dù phần trên hay phần dưới, phía trước hay phía sau.
Tuy nhiên, tôi đã rút kinh nghiệm với hội đồng để việc thẩm định và phân loại thận trọng hơn.
- Theo bà, kiểm duyệt ở Việt Nam so với các quốc gia châu Á và châu Âu, châu Mỹ khác nhau ra sao?
- Tôi xin kể vài ví dụ thay cho câu trả lời. Với phim Sống trong sợ hãi, Việt Nam cho phép phổ biến (hạn chế khán giả dưới 16 tuổi) nhưng bên đặt hàng là Nhật Bản yêu cầu cắt một số cảnh tình dục. Phim Em bé Hà Nội - tác phẩm kinh điển xuất sắc thời điện ảnh chiến tranh - được chúng ta cho phép phổ biến rộng rãi và được phát sóng truyền hình suốt mấy chục năm. Nhưng phim này lại được phân loại 13+ khi chiếu tại Liên hoan phim ở Hàn Quốc.
Tôi từng dự một số hoạt động điện ảnh ở châu Á năm 2007, nhưng khi ấy không thể xem bản nguyên vẹn của phim Sắc giới tại nhiều nước châu Á mà chỉ có thể xem bản nguyên vẹn ở Mỹ. Còn với nhiều nước châu Á hay các châu lục có số đông người theo đạo Hồi thì việc chiếu phim phải theo đúng Hồi giáo luật rồi. Nói tóm, mỗi nước có một hệ thống quy định, luật pháp riêng phù hợp với đặc điểm, hoàn cảnh và sự phát triển của mình, đối với điện ảnh cũng vậy.
- Trong luật điện ảnh có cụm từ "thuần phong mỹ tục". Theo bà, nên diễn giải cụm từ này như thế nào trong các trường hợp cụ thể?
- Diễn giải của luật phải theo đúng quy định của mục "giải thích từ ngữ" trong luật. Tôi chỉ có thể trao đổi theo thực tế thẩm định của Hội đồng: những phim trái với thuần phong mỹ tục là những phim có nội dung trái với đạo đức, văn hóa, luân thường đạo lý Việt Nam: “phim có hình ảnh, âm thanh, lời thoại mang tính khiêu dâm, đồi trụy, loạn dâm, loạn luân” (theo Nghị định 54/2010).
- Các nhà phát hành và sản xuất phim ở Việt Nam được hưởng lợi ra sao và nên làm gì khi có bộ dán nhãn về phim ra rạp Việt mới này?
- Trước đây, cái khó là có những phim nếu để phổ biến rộng rãi thì không được, nhưng cấm người xem dưới 16 tuổi thì hơi nặng. Bởi vậy, thêm mức phân loại C13 (cấm trẻ em dưới 13 tuổi) sẽ hợp lý hơn, vừa có lợi cho nhà sản xuất, nhà phát hành và tốt hơn cho khán giả.
Khi áp dụng bảng phân loại phim mới, các nhà sản xuất, phát hành phim nên tìm hiểu kỹ Luật Điện ảnh, Nghị định 54/2010 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh và Thông tư nói trên để thực hiện nghiêm chỉnh.
| Bà Ngô Phương Lan khẳng định những người nói “dán nhãn C13 khiến phim nội thất thu” thực sự chỉ là bao biện. |
- Sau một tháng áp dụng và học hỏi theo bộ dán nhãn mới, Cục Điện ảnh sẽ có những thay đổi gì để bộ thông tư đi vào hoạt động ổn định?
- Cái gì mới thực hiện cũng có thể có một vài điểm chuệch choạc. Chắc bạn cũng nhớ câu hát nổi tiếng "Ngày đầu chưa quen đường cày đâu thẳng ngay...". Hy vọng sau tháng đầu tiên này mọi việc sẽ trôi chảy và việc thẩm định, phân loại phim sẽ phát huy hiệu quả tích cực nhất.
- Từ khi có thị trường điện ảnh ở Việt Nam 10 năm trở lại đây, bà nhận thấy khâu kiểm duyệt phim ra rạp đã có những thành tựu gì?
- Mục đích của việc thẩm định và cấp phép phổ biến phim là đưa đến cho khán giả những tác phẩm điện ảnh lành mạnh, nhân văn phù hợp với nhu cầu giải trí của công chúng. Cục luôn tiến hành duyệt phim đúng theo quy định, trả kết quả đúng hạn đối với các đơn vị trình duyệt.
Một phần nhờ việc thẩm định nghiêm cẩn nhưng khá thông thoáng và thuận lợi, điện ảnh Việt Nam là ngành nghệ thuật thực hiện chủ trương xã hội hóa hiệu quả nhất và phát triển với những con số ấn tượng: doanh thu tăng khoảng hơn 20%/năm (trong khi Hàn Quốc đang chững lại với mức tăng 2%/năm, còn Trung Quốc là 3,7%/năm). Thị phần phim Việt là gần 30%, chủ yếu là phim sản xuất từ nguồn vốn xã hội hóa, trong khi Pháp là nước bảo hộ điện ảnh nội cao nhất thế giới, với việc tài trợ cho hàng trăm phim mỗi năm thì thị phần phim nội cũng chỉ hơn 30%.
Sources: vnexpress |