Ngày Đăng: 03 Tháng 11 Năm 2016 Những hồi tưởng gần đây của nam diễn viên về thời sinh viên nhặt ve chai, bơm xe dạo đầy cơ cực nhận đồng cảm lớn từ khán giả.
Mới đây, diễn viên Quyền Linh chia sẻ trên trang cá nhân một bài viết về thời cơ cực của anh. Theo nam diễn viên, bài viết tuy không mới, mỗi lần đọc lại, nhớ lại tuổi thơ và thời thanh niên nghèo khó, vất vả, anh đều thấy được truyền thêm niềm tin, sự lạc quan và động lực để làm việc. Nam nghệ sĩ rất muốn chia sẻ câu chuyện đời mình để góp phần lan tỏa nghị lực vươn lên trong cuộc sống cho các bạn trẻ.
Trong ký ức, Quyền Linh nhớ mãi ngôi nhà của anh nằm giữa một cánh đồng bốn bề là lúa ở một ấp nghèo của xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Vắng cha từ nhỏ, bốn mẹ con anh nương tựa nhau trong căn nhà lụp xụp. Về sau, có người trong làng thường qua phụ mẹ anh bơm nước, phơi rạ. Dần dà, qua những bữa cơm đầy tình nghĩa, ông thành cha dượng của anh.
| Quyền Linh khi còn là sinh viên ở trường Nghệ thuật Sân khấu 2. |
Về sau, Quyền Linh có thêm ba người em, gia cảnh của anh đã khó lại càng khó. Lớp 9, anh muốn xin nghỉ học ngang nhưng được mẹ khuyên răn ráng học tiếp để thành tài. Gần hết phổ thông, năm đó, có đoàn tuyển sinh một trường nghệ thuật - sân khấu từ TP HCM xuống làng. Anh theo bạn bè gửi đơn dự thi, ba tháng sau nhận được giấy báo trúng tuyển. Mẹ anh mừng lắm, mỗi lần có đoàn kịch về xã là hối thúc con trai đi xem cho biết diễn viên, sân khấu ra sao. Ngày anh đi Sài Gòn, mẹ đùm theo xoong chảo, khô mắm, bán luôn đài radio được vài nghìn đồng mua cho anh cái nồi mới. Mẹ cười mà rớm nước mắt: "Ít bữa làm diễn viên mua luôn cho má cái tivi".
Trở thành sinh viên, Quyền Linh vừa thấm thía cái buồn sống xa nhà, vừa chật vật nỗi lo học hành, làm lụng nơi xứ người. Vài ba đồng bạc mẹ chắt chiu gửi lên không đủ để trang trải sách vở, anh tranh thủ thời gian rảnh ra ngoài kiếm thêm.
Quyền Linh vẫn còn nhớ mỗi chiều, sau khi tan học ở trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Đại học Sân khấu điện ảnh TP HCM), anh về lại ký túc xá ở đường Trần Hưng Đạo, gần rạp Công Nhân (quận 1). Khu ký túc xá này là nơi anh ở cùng nhiều nghệ sĩ như Ngọc Sơn, Lý Hải... khi học chung trường Nghệ thuật Sân khấu. Đợi bạn bè uống nước xong, anh lẳng lặng gom nhặt ve chai thành một bọc, đem đi đổi gạo hay rau củ quả mà ăn. Mỗi lần như thế, anh đổi được chừng một lon gạo, tạm đủ ăn cho qua bữa. Anh kể, nhặt còng lưng may lắm là được một kg gạo, chứ cũng chẳng có tiền mà mua thức ăn.
Có bận, từ tờ mờ sáng, Quyền Linh ra chợ Cầu Muối (cầu ông Lãnh), thấy xe hàng chạy tới là lao ra xin phụ khuân hàng. Phụ xong, anh không dám tính công, chỉ xin ông chủ lấy mớ rau củ thừa, úng, đem về rửa sạch, gọt bớt rồi mang ra chợ bán lấy tiền mua gạo. Nhiều lúc, bạn bè đi ngang, anh tủi phận, kéo mũ xuống kín mặt che hai dòng nước mắt.
| Quyền Linh với vai diễn Lãm trong "Người Hà Nội". |
Hết nhặt vỏ chai, vác thuê, anh lại chuyển sang bơm xe đạp dạo. Tích cóp được chút tiền bạc, anh mua cái bơm xe cũ, ngày ngày rong ruổi trên khắp các con phố như Trần Hưng Đạo, Bùi Viện, Cống Quỳnh... Cuối những năm 1980, vỉa hè Sài Gòn có không ít người hành nghề bơm xe, ai cũng giành cho mình đất riêng để kiếm khách. Sinh viên làm thêm như Quyền Linh chỉ có cách bơm dạo, mỗi lần bơm phải xách theo cái túi, hễ có khách thì lấy ra, bơm xong lại bỏ vào túi, giấu giếm để không bị các thợ bơm phát hiện.
Cứ thế, anh đi lang thang, thấy ai đang dắt xe thì nhào tới hỏi, nhiều khi bị thợ dọa đánh vì tội giật mối khách. Có hôm, tờ mờ khuya vẫn không có khách nào, anh về lại phòng ký túc đi ngủ với cái bụng đói meo. Thiếu ăn, người còm cõi, anh bị bạn bè gắn cho biệt danh "Linh ống hút".
Ra trường, Quyền Linh bước chân vào Đoàn kịch Kim Cương. Cuộc sống vẫn không khá hơn khi nhiều tháng trời anh được giao vai quần chúng, quân hầu, tiền công chỉ đủ mua dĩa cơm, ly nước... Đến lúc nản chí, tính khăn gói về quê, Quyền Linh lại được giao vai Chu Xung thay diễn viên Lâm Hùng trong Lôi Vũ - vở kịch rất ăn khách thời bấy giờ.
Từ đó, anh được giao thêm nhiều vai chính trên sân khấu, diễn thêm cho nhiều nơi như Đoàn kịch trẻ Nam Bộ do Nghệ sĩ Ưu tú Bạch Lan làm trưởng đoàn, Đoàn kịch thành phố của Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu...
Song thời đó, kịch nói bắt đầu vào giai đoạn thoái trào, khán giả cũng dần vắng bóng. “Nhiều khi diễn chỉ đủ lo cơm áo gạo tiền, có khi còn thiếu vì trời mưa, rạp ế khách phải hủy suất diễn”, Quyền Linh kể. Những năm 1992 - 1993, điện ảnh Việt đang lên, Lý Hùng, Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Việt Trinh, Diễm Hương… là những cái tên nổi như cồn. Giai đoạn này, phim chiếu rạp chỉ dành cho những diễn viên ăn khách đóng, các tên tuổi mới tạo dựng như Quyền Linh chưa được mời nhận vai.
Cơ hội đầu tiên đến với anh trong phim Khát vọng sống, rồi dần dần là các vai trong loạt phim Vườn đào năm ấy, Đứa con rơi… Quyền Linh còn nhớ, cátxê từ phim đầu tay - Khát vọng sống - là hơn một triệu đồng. Theo anh, tiền thù lao như thế không là gì so với các diễn viên nổi tiếng thời đó, nhưng lại là số tiền lớn với anh. Anh ra tiệm mua hai xấp vải gửi về quê tặng mẹ, mua xong là cũng vừa hết tiền.
Đến phim Người Hà Nội do Hoàng Tích Chỉ và Đoàn Lê đạo diễn, anh mới được đông đảo công chúng biết đến qua vai Lãm, chàng lính trở về sau chiến tranh. Tên tuổi anh phủ sóng màn ảnh nhỏ với các phim tiếp theo như Đồng tiền xương máu, Giao thời…
Sau này, khi cất căn nhà ở huyện Nhà Bè, TP HCM, anh mời mẹ lên ở chung. Được vài tháng, mẹ anh quay về căn nhà cũ ở Tiền Giang. "Má tôi là vậy, sống với đồng, với ruộng quen rồi, không quen được nhịp thành phố", Quyền Linh kể.
| Quyền Linh cùng vợ và con gái đi xem phim giữa tháng 10. Ảnh: Hồng Lam. |
Hiện, mẹ nam diễn viên thỉnh thoảng lại lên thành phố ở vài tháng, giúp vợ chồng anh chăm sóc hai cháu, rồi lại về quê. Lâu lâu, bà kể cho anh chuyện những người trẻ ở quê hôm qua còn thấy tát bùn, hôm nay đã khăn gói lên Sài Gòn làm ăn, quê nghèo giờ chỉ toàn người già, con nít.
"Nhiều khi, đang ngồi phòng máy lạnh lại muốn bưng tô cơm ra trước cửa, ngồi ăn, giả vờ như đang hứng gió đồng cho thỏa nỗi nhớ quê", diễn viên sinh năm 1969 bâng khuâng.
Sources: vnexpress |