Ngày Đăng: 25 Tháng 05 Năm 2016 Nhà làm phim "Cha con và..." kể cảm hứng cho bộ phim điện ảnh Việt Nam đầu tiên tranh giải ở Liên hoan phim Berlin vừa công chiếu rộng rãi ở Pháp tháng trước.
- Phim mới của anh - "Cha, con và..." - kể về tình yêu và tuổi trẻ bên dòng sông Mekong cuối những năm 1990. Không khí câu chuyện có gì đặc biệt?
- Đó là câu chuyện về tuổi trẻ thời chuyển giao thế kỷ, thời mà điện thoại di động là của hiếm và to bằng nửa cục gạch, chỉ gọi và nhắn tin được nhưng đắt bằng nửa năm lương. Khi đó, nước Mỹ vừa xóa cấm vận với Việt Nam. Đâu đâu người ta cũng háo hức nghĩ thế là sắp văn minh rồi dù cuộc sống đang nghèo rớt mồng tơi. Tâm lý mọi người cho rằng các cựu thù giàu có ùn ùn tiến vào xây nhà máy và tiêu đô la.
Tuổi trẻ thời đó chưa có Facebook hay điện thoại di động để giao tiếp hàng ngày. Yêu chỉ có cách đến gần mà tiếp cận, tán tỉnh không nắm tay nắm chân thì phải viết ra giấy... Đó cũng là thời kỳ mà sự quyến rũ của vật chất bắt đầu băm bổ, xen vào đời sống và các mối quan hệ, kể cả yêu đương. Giới trẻ vừa ngơ ngác ra khỏi thời bao cấp, chưa được chuẩn bị để quen với sự trắng trợn thị trường nên thường ăn quả đắng. Với sự lãng mạn và cả tin, giới trẻ đối xử với tình yêu bằng sự ngượng ngùng rất lạ. Bộ phim này nói về thứ tình yêu ngượng ngùng đó.
| Đạo diễn Phan Đăng Di ở Paris hồi tháng 4. Ảnh: Phạm Anh Huy. |
- Anh lấy nguyên liệu từ đâu cho tác phẩm này?
- Tôi lấy một phần từ chính tuổi trẻ của tôi và của một lứa tuổi trẻ ngơ ngác thời bấy giờ mà tôi và nhiều bạn bè đồng trang lứa từng dự phần vào. Tất nhiên, cũng có những chuyện tôi bịa ra. Nhưng trong phim này, những đoạn bịa có khi còn chân thực hơn cả hiện thực ngoài đời vì khi dàn dựng những cảnh đó, tôi có cảm giác mình đang dựng lại chính thế giới mà mình vẽ nên khi còn trẻ. Một thế giới đẹp đẽ, thanh lịch, duyên dáng và ngu ngơ để rồi cuối cùng bị nhấn chìm trong bạo lực và cô đơn.
- Bộ ba nhân vật người trẻ trong phim mới của anh - Vũ (Lê Công Hoàng), Vân (Đỗ Thị Hải Yến) và Thăng (Trương Thế Vinh) - đều yêu đương và hành xử có phần bị động. Họ phản ánh điều gì về giới trẻ đô thị cuối thập niên 1990?
- Trong phim này, mọi nhân vật đều đặc biệt thu mình. Họ sống với nhau hàng ngày tưởng chừng rất gần gũi nhưng các vấn đề nghiêm trọng mà họ đối mặt đều được giữ kín trong lòng. Đó là một điều rất hay cho chuyện phim và cũng rất buồn. Tôi cũng không nghĩ trong cuộc sống có một cộng đồng nào đó sẽ đặc biệt hơn, buồn hơn so với những cộng đồng khác.
Với cá nhân cũng vậy, có lúc nào đó mình sẽ nghĩ câu chuyện của mình, vấn đề của mình là buồn nhất thế gian. Thực tế luôn luôn có những người khác sẽ nghĩ câu chuyện của họ, vấn đề của họ mới là buồn nhất. Đặc quyền nỗi buồn là thứ không ai chiếm hữu cho riêng mình được. Nỗi đau cũng vậy, không ai độc quyền được nỗi đau.
| Đỗ Thị Hải Yến hóa thân thành một sinh viên múa balê kiêm vũ nữ quán bar trong phim. |
- Một tuyến lớn của phim kể về tình yêu vô vọng của một chàng trai với một chàng trai khác. Anh đồng cảm thế nào với nhân vật này?
- Tình yêu nào cuối cùng chẳng vô vọng, khi mà như trong phim này, mọi tình cảm thoạt đầu ngọt ngào nhưng cuối cùng đều gần như tan rã hết.
Mối tình đồng tính vô vọng nhân vật Vũ dành cho nhân vật Thăng cũng chẳng buồn hơn là mấy so với chuyện Thăng bị lạm dụng, hành hạ mà không thể hé răng. Tương tự, chuyện nhân vật Vân có bầu trong cảnh cô độc hay chuyện nhân vật Hương nhiều phen bị nhục mạ trước khi có được tình yêu với người đàn ông lớn tuổi đều chất chứa vô vọng. Cái chính là chẳng ai trong số họ ôm mãi sự vô vọng đó. Đến một lúc, ai cũng vứt nó đi để sống tiếp.
- Trong phim có một số cảnh gây sốc như làm tình trong bùn lầy sông Mekong. Anh tính toán sao khi đưa các cảnh này lên hình?
- Cảnh hai người “yêu nhau” trong bùn cần thiết để cho thấy ý quan trọng của phim là cuộc sống dù thế nào đi nữa vẫn sẽ được nối tiếp. Thiên nhiên ban cho vạn vật khả năng duy trì sự sống và nó cứ thế diễn ra, dù là trên giường nệm hay trong bùn.
- Phim mới liên hệ thế nào với tác phẩm đầu tay - "Bi, Đừng sợ" - và phim ngắn gây chú ý trước đó của anh là "Khi tôi 20"?
- Phim này nhiều nhân vật nam hơn, lộn xộn và gay cấn hơn nhưng không vì thế mà đàn ông trở nên mạnh mẽ hơn. Phim cũng vừa buồn, vừa buồn cười, ngay cả trong những cảnh thể hiện ham muốn và yêu đương. Điều quan trọng nhất là tôi đã tạo ra được cảm giác hồi hộp, khó ở của tình yêu tuổi mới lớn qua một lối dựng rất tự do. Đây là điều đặc biệt nhất tôi làm được với phim này, so với Bi đừng sợ hay Khi tôi 20 đã trở nên quá thực và cũ trong cùng một diễn ngôn về tình yêu.
| Diễn viên Lê Công Hoàng (phải) vào vai một chàng trai đồng tính yêu người bạn ở trọ cùng do Trương Quốc Vinh đóng. |
- Khán giả châu Âu đồng cảm và phản hồi ra sao trong một tháng chiếu ở Pháp vừa qua?
- Nhiều khán giả trẻ ở Pháp khá đồng cảm với các nhân vật trẻ trong phim, đặc biệt ở sự hoang mang và mất phương hướng của nhân vật. Đặc biệt hơn, tình trạng không có việc làm, sống ngày nào biết ngày ấy trong phim này cũng đúng với tình cảnh của nhiều thanh niên châu Âu hiện tại. Điểm khác là chính phủ châu Âu không trả tiền cho thanh niên triệt sản vì chẳng cần làm vậy, dân số của họ cũng giảm nhanh rồi.
Sau hơn một tháng ra mắt ở Pháp từ 20/4, Cha và con và… (tên mới sử dụng là Mékong Stories) hiện chiếu 35 suất mỗi ngày ở Paris và và 20 thành phố khác trên nước Pháp. Đây là phim thứ hai của đạo diễn Phan Đăng Di và là phim Việt Nam đầu tiên được chọn dự tranh giải Gấu Vàng tại Liên hoan phim Berlin. Đạo diễn và êkíp đang tìm cơ hội để phim ra mắt khán giả Việt trong mùa hè năm nay
Sources: Vnexpress |