Ngày Đăng: 19 Tháng 05 Năm 2016 Từ khi ra mắt vào năm 2000 tới nay, loạt phim về các dị nhân đã trải qua một hành trình dài và thu hút hàng triệu người hâm mộ.
Dù cùng được xuất bản bởi Marvel Comics, khi lên màn ảnh rộng, X-Men lại không về chung “một nhà” với Disney và Marvel Studios. Bản quyền làm phim về các dị nhân đã được hãng 20th Century Fox mua từ năm 1994. Từ năm 2000 đến nay, đã có năm tập phim X-Men và ba tập phim Spin-Off (ăn theo nhân vật, trong đó có hai tập phim Wolverine và Deadpool) được ra rạp.
Tổng doanh thu của bảy tập phim X-Men là 3,8 tỷ USD và giúp series này đứng thứ chín trong danh sách những loạt phim ăn khách nhất lịch sử. Các tập phim X-Men đa phần được đánh giá cao nhờ nội dung lôi cuốn, dàn diễn viên danh tiếng và chủ đề có phần đen tối, lên án sự kỳ thị của một bộ phận xã hội với những dị nhân.
X-Men (2000)
Khán giả yêu điện ảnh lần đầu được làm quen với những X-Men vào năm 2000, với bộ phim của đạo diễn Bryan Singer. Bối cảnh phim được đặt tại thế giới mà trong đó, những người bình thường chung sống cùng những người có khả năng dị thường. Hai dị nhân Wolverine (Hugh Jackman thủ vai) và Rogue (Anna Paquin) vô tình gặp nhau và mắc kẹt giữa cuộc xung đột của hai nhóm X-Men và Brotherhood.
Nếu như X-Men do Giáo sư X (Patrick Stewart) đứng đầu chủ trương duy trì hòa bình giữa dị nhân với loài người thì tổ chức cực đoan Brotherhood, dưới sự lãnh đạo của Magneto, lại tin vào điều ngược lại. Nhóm Brotherhood lên kế hoạch biến những nhà lãnh đạo thế giới trở thành dị nhân và Giáo sư X cùng những học trò phải ra sức ngăn cản kế hoạch trên...
Với kinh phí 75 triệu USD, X-Men là một thành công về mặt thương mại với doanh thu 296,3 triệu USD. Tác phẩm này còn nhận điểm số 81% trên trang Rotten Tomatoes, cùng nhận xét “X-Men là một sản phẩm trung thành với nguyên tác truyện tranh và đem tới nhiều cảnh hành động hấp dẫn, với một dàn diễn viên tài năng”. Người xem được làm quen với những dị nhân như Giáo sư X, Magneto, Storm (Halle Berry), Jean Grey (Famke Janssen)... và đặc biệt là Wolverine. Đây là vai diễn Hollywood đầu tiên của tài tử người Australia - Hugh Jackman - và anh đã biến nó thành thương hiệu riêng của mình.
X2: United (2003)
Đạo diễn Bryan Singer tiếp tục thực hiện phần tiếp theo của X-Men là X2. Ông lấy cảm hứng cho bộ phim từ tập truyện X-Men: God Loves, Man Kills từ thập niên 1980 và đặt những dị nhân vào một tình thế ngặt nghèo. Trong phim, hai nhóm X-Men và Brotherhood phải sát cánh bên nhau để chống lại kẻ thù chung là Đại tá William Stryker (Brian Cox). Viên đại tá này tin rằng những dị nhân là kẻ thù nguy hiểm và quyết định tấn công vào ngôi trường X-Mansion của Giáo sư X nhằm truy lùng mọi dị nhân trên thế giới và hủy diệt họ.
Hầu như mọi bài phê bình phim đều đánh giá X2 hay hơn phần đầu tiên nhờ diễn xuất, kỹ xảo và nội dung đều được nâng cấp. Vào năm 2006, tạp chí Empire thậm chí còn khẳng định đây là “Phim chuyển thể từ truyện tranh hay nhất mọi thời đại”. X2 khiến nhiều người hâm mộ sững sờ bởi sự hy sinh của một nhân vật được ưa thích ở cuối phim. Về khía cạnh thương mại, đây là một thành công lớn với doanh thu 407 triệu USD trên toàn cầu.
X-Men: The Last Stand (2006)
Thay vì làm đạo diễn như hai phần đầu tiên, Bryan Singer lui về hậu trường làm nhà sản xuất và nhường ghế đạo diễn cho Brett Ratner. Đây cũng là tập phim bị chê nhiều nhất trong ba phần đầu của X-Men vì phần kịch bản yếu kém, dù diễn xuất và kỹ xảo trong phim vẫn là những điểm cộng. Khán giả được thưởng thức những màn chiến đấu mãn nhãn với đỉnh cao là trường đoạn cây cầu Golden Gate nổi tiếng bị biến dạng do năng lực của Magneto. Ở thời điểm công chiếu, X-Men: The Last Stand là phim có kinh phí đắt đỏ nhất mọi thời đại với chi phí sản xuất lên tới 210 triệu USD.
Trong X-Men: The Last Stand, một công ty dược phẩm đã sản xuất ra loại gen có khả năng “chữa siêu năng lực” và gây ra tranh cãi lớn trong cộng đồng dị nhân. Trận chiến khốc liệt cuối cùng giữa nhóm X-Men và Brotherhood nổ ra với những hy sinh không thể tránh khỏi... Dù được đầu tư gần gấp đôi, doanh thu của The Last Stand chỉ là 494 triệu USD - không nhỉnh hơn nhiều so với tập phim X2 trước đó.
X-Men Origins: Wolverine (2009)
Wolverine là nhân vật được ưa thích hàng đầu trong số những dị nhân. Vào năm 2009, hãng Fox đã cho làm riêng một tập phim về nhân vật này. Bộ phim được đặt bối cảnh trước những sự kiện trong ba tập phim X-Men đầu tiên, nhằm giải thích xuất xứ của Wolverine. Câu chuyện bắt đầu khi Wolverine còn là cậu nhóc Thomas Logan và phát hiện ra siêu năng lực của bản thân. Thomas Logan trải qua nhiều cuộc chiến, chạm trán nhiều dị nhân khác, trước khi trở thành một Wolverine với móng kim loại adamantium quen thuộc sau này.
Xem phim, khán giả được biết tới quá khứ đau thương của Wolverine với màn trình diễn thu hút của Hugh Jackman. Tuy nhiên, kỹ xảo không chân thực và kịch bản thiếu thuyết phục như ý kiến của nhiều nhà phê bình khiến bộ phim không được đánh giá cao. Bản thân Hugh Jackman sau đó cũng chia sẻ rằng anh không hài lòng với sản phẩm này. Trên toàn cầu, bộ phim thu về 373 triệu USD.
X-Men: First Class (2011)
X-Men: First Class là tập đầu tiên trong bộ ba phim kể về những dị nhân thời trẻ, từ khi Giáo sư X và Magneto còn là Charles Xavier (James McAvoy) và Erik Lehnsherr (Michael Fassbender). Họ là những chàng dị nhân trẻ đầy hoài bão. Nhân vật phản diện trong tập phim này là Sebastian Shaw (Kevin Bacon) với tham vọng thống trị thế giới.
Trong X-Men: First Class, người xem được hiểu thêm về xuất xứ và tình bạn thời trẻ của Giáo sư X và Magneto, cũng như nguyên nhân khiến họ đối nghịch về lý tưởng sau này. Bộ phim đã đạt doanh thu 353 triệu USD và được đánh giá cao nhờ dàn diễn viên trẻ trung, tài năng cùng sự dẫn dắt của đạo diễn Matthew Vaughn. Kịch bản phim cũng nhận được nhiều lời khen khi đã khéo léo lồng cuộc chiến giữa các dị nhân vào một sự kiện lịch sử có thật là cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào năm 1962.
The Wolverine (2013)
Tập phim riêng thứ hai về nhân vật Wolverine được đặt bối cảnh sau những sự kiện trong The Last Stand. Trong phim, Wolverine tới Nhật Bản để gặp lại một người quen cũ. Tại đây, anh được đề nghị chuyển giao năng lực phục hồi của mình cho một cố nhân song Wolverine từ chối. Từ đây, Wolverine bất ngờ gặp những rắc rối không ngờ tới và phải chiến đấu với những Samurai, Yakuza... mà không có khả năng phục hồi quen thuộc.
Với doanh thu 414 triệu USD, The Wolverine là phim ăn khách thứ tư trong cả loạt phim X-Men. Đạo diễn James Mangold đã giúp bộ phim vừa bám sát nhân vật trong truyện tranh, vừa đem lại sự giải trí cho khán giả. Đa phần ý kiến đều cho đây là một bộ phim chất lượng hơn nhiều so với tập phim trước đó bốn năm.
X-Men: Days of Future Past (2014)
Days of Future Past là dự án đặc biệt bậc nhất trong cả loạt phim X-Men, với sự góp mặt của cả những dị nhân thời trẻ lẫn già và có nội dung liên kết trực tiếp tới tất cả các phần trước. Trong phim, các dị nhân ở thế giới đang đứng trước bờ vực diệt vong và Wolverine được gửi trả về năm 1973 để ngăn chặn thảm họa từ trong trứng nước. Bryan Singer tái xuất trong vai trò đạo diễn và giúp Days of Future Past có doanh thu khổng lồ - 747 triệu USD - đồng thời nhận được nhiều lời khen ngợi từ cả người hâm mộ lẫn giới chuyên môn.
Một dàn sao từ già lẫn trẻ như Patrick Stewart, Ian McKellen, Michael Fassbender, James McAvoy, Hugh Jackman hay Jennifer Lawrence... đều có những khoảnh khắc khiến khán giả phải nhớ tới. Một nhân vật dù chỉ xuất hiện với thời lượng ít ỏi là Quicksilver (Evan Peters) cũng đủ để lại ấn tượng sâu sắc nhờ sự hài hước. X-Men: Days of Future Past cũng là tập phim đầu tiên và duy nhất tới nay trong loạt phim X-Men được đề cử Oscar. Tại Oscar 2015, bộ phim nằm trong danh sách đề cử “Kỹ xảo xuất sắc”.
Deadpool (2016)
Dù chỉ “đơn thương độc mã” xuất hiện, Deadpool (Ryan Reynolds) lại có bộ phim riêng còn ăn khách hơn bất kỳ tập phim X-Men nào trước đó. Doanh thu 762 triệu USD là một thành công rực rỡ so với kinh phí đầu tư chỉ hơn 50 triệu USD và giúp bộ phim được “bật đèn xanh” để làm tiếp phần hai. Tác phẩm này được xếp hạng R (hạn chế khán giả dưới 17 tuổi) do có các cảnh nhạy cảm, bạo lực cùng ngôn từ tục tĩu. Đây là điều các nhà làm phim buộc phải làm để trung thành với nhân vật Deadpool - gã lính đánh thuê thuộc típ “phản anh hùng” trong truyện tranh.
Trong phim, nhân vật Wade Wilson với phong cách tưng tửng được chẩn đoán mắc bệnh nan y và quyết định đem thân thể làm thí nghiệm với mong ước chữa được bệnh. Sau quãng thời gian vật lộn với những thí nghiệm khắc nghiệt, Wilson trở nên bất tử với cái giá phải trả là thân thể biến dạng. Anh trở thành Deadpool và quyết tâm tìm kẻ đã thay đổi mình bằng mọi giá để có thể trở lại như cũ... Deadpool được cộng đồng người hâm mộ đón nhận nồng nhiệt bởi sự hài hước, các màn hành động đẹp mắt cùng phong cách tương tác trực tiếp với khán giả.
X-Men: Apocalypse (2016)
Là tập cuối trong bộ ba phim về dị nhân thời trẻ, X-Men: Apocalypse được đầu tư với kinh phí sản xuất lên đến 234 triệu USD và là một trong những bom tấn được chờ đợi nhất hè năm nay. Trong phim, các dị nhân phải đối đầu với kẻ thù hùng mạnh nhất từ trước đến nay – Apocalypse. Tập phim lần này tiếp tục quy tụ dàn sao đông đảo đa quốc tịch.
Bên cạnh các gương mặt quen thuộc như James McAvoy, Michael Fassbender, Jennifer Lawrence, Hugh Jackman, Evan Peters, X-Men: Apocalypse có sự góp mặt của những diễn viên lần đầu tham gia loạt phim như Sophie Turner (vai Jean Grey thời trẻ), Olivia Munn (vai Psylocke), Oscar Isaac (vai Apocalypse), Tye Sheridan (vai Cyclops thời trẻ), Alexandra Shipp (vai Storm thời trẻ) và người đẹp gốc Việt – Trần Đồng Lan (vai Jubilee).
Sources: Vnexpress |