Ngày Đăng: 27 Tháng 02 Năm 2016 Nữ diễn viên bận công tác ở Hà Nội và định khi về Sài Gòn tới nhà đạo diễn nhưng ông đã trút hơi thở cuối cùng hôm 26/2.
Đạo diễn Lê Dân mất hôm 26/2 tại nhà riêng sau gần một tháng hôn mê sâu vì đột quỵ. Ngày 9/2, ông được đồng nghiệp đưa vào viện sau khi phát hiện bị ngã tại phòng riêng ở nghĩa trang Bình Dương. Do hai con trai sống tại nước ngoài, giữa năm 2015, đạo diễn chuyển vào sống trong căn phòng nhỏ tại nghĩa trang để gần gũi mộ phần của vợ. Ngày 24/2 vừa qua, Lê Dân được bác sĩ cho xuất viện sau khi chẩn đoán ông bị tụ máu não nhiều nơi, kết hợp bệnh tiểu đường nên dù phẫu thuật cũng khó qua khỏi.
Lê Dân có gần một tháng được theo dõi tại phòng chăm sóc đặc biệt khoa Nội thần kinh, bệnh viện nhân dân Gia Định, TP HCM. Túc trực bên ông là người nhà và học trò thân thiết. Đạo diễn Quang Đạt - một học trò được Lê Dân coi như con trai - chia sẻ hầu như ngày nào anh cũng ở viện. "Ngoài NSƯT Thùy Liên, diễn viên Nguyễn Bá Lộc, đạo diễn Bằng Phong, Đào Bá Sơn, tôi không thấy những diễn viên từng cộng tác với thầy vào thăm. Tôi cho rằng đến viếng người đã khuất là chuyện bình thường nhưng thăm hỏi trong lúc sức khỏe nguy cấp mới là điều đáng quý", đạo diễn Quang Đạt nói.
| Giáng My (váy đỏ) và đạo diễn Lê Dân (phải) tại Liên hoan phim Cannes năm 2010. |
Biết tin đạo diễn nhập viện cấp cứu do đột quỵ vì tai biến, diễn viên Giáng My - từng góp mặt trong các phim nổi tiếng của Lê Dân - cho hay cô đang công tác tại Hà Nội nên chưa thể về thăm ngay. Trong phim Những lá thư từ Sơn Mỹ, Giáng My đóng vai chính. Từ năm 2010 đến nay, cô và đạo diễn ít liên lạc, một phần do bận việc, phần khác do Giáng My ngại gặp Lê Dân vì hậu kỳ phim Những lá thư từ Sơn Mỹ đạo diễn nhờ cô làm hộ nhưng chưa thanh toán hết kinh phí. "Ngày 23/2 nếu tôi về kịp TP HCM sẽ qua thăm chú", Giáng My chia sẻ. Tuy nhiên, ước nguyện của nữ diễn viên không thành hiện thực khi đạo diễn ra đi trước khi cô đến thăm.
Trước đó, nữ diễn viên 45 tuổi từng bày tỏ sự ngưỡng mộ tình cảm Lê Dân dành cho vợ. Tiếp xúc với nhiều người đẹp ở phim trường nhưng cố đạo diễn luôn thủy chung và trân trọng vợ. "Suốt quá trình quay Những lá thư từ Sơn Mỹ, hình ảnh gây ấn tượng với bất cứ ai trong đoàn là hai người già tuổi đã 82 nhưng lúc nào cũng nắm chặt tay nhau, cùng chịu đựng cái nóng, cái khát của nắng gió miền biển. Những tối khuya vất vả, quay đến 3h hay 4h sáng, thỉnh thoảng, thầy lại quay sang vuốt tóc vợ, buông lời nhỏ nhẹ âu yếm: 'Làm nghề này cực không? Ai bảo yêu đạo diễn làm chi?'", Giáng My kể.
Con trai Lê Dân cho biết gia đình hiểu và đồng cảm với nỗi niềm riêng của các nghệ sĩ. "Thời buổi này, ai cũng bận rộn công việc, không phải ai cũng sắp xếp được thời gian đến chia sẻ với ông cụ và gia đình", con trai đạo diễn nói.
Những ngày cuối đời, tuy không được nhiều diễn viên thăm hỏi, Lê Dân thấy ấm lòng vì học trò luôn túc trực bên ông.
Bà Dương Cẩm Thúy - Chủ tịch Hội điện ảnh TP HCM - khẳng định Lê Dân là một người thầy đáng kính. Ông rất chú trọng đào tạo thế hệ trẻ. Đạo diễn Quang Đạt xem Lê Dân như cha. Khi vợ cố đạo diễn mất, anh lập bàn thờ bà tại tư gia của mình. "Tôi bày tỏ nguyện vọng với gia đình là khi thầy mất cho phép tôi để tang và đem di ảnh thầy về thờ tại tư gia. Nghe tôi nói, con trai thầy đã ôm tôi khóc nức nở", Quang Đạt kể.
Ngoài Quang Đạt, nhiều thế hệ đạo diễn thường xuyên có mặt ở viện để chia sẻ cùng gia đình. Trong ký ức của họ, Lê Dân là người kỹ tính, tỉ mẩn trong công việc chuyên môn nhưng cư xử mềm mỏng với học trò, đồng nghiệp và diễn viên.
| Học trò đến thăm Lê Dân ở nghĩa trang Bình Dương những ngày ông còn khỏe mạnh. |
Đạo diễn Lê Văn Duy chia sẻ biết trước không ai tránh được tuổi già, bệnh tật nhưng ông vẫn thấy tiếc khi điện ảnh Việt Nam mất đi một cây đại thụ. Lê Văn Duy gọi Lê Dân là "một hiền nhân điện ảnh" để nói về thái độ hòa nhã của cố đạo diễn trên trường quay. Diễn viên Lê Tuấn Anh cũng bày tỏ sự tiếc thương. Diễn viên Huỳnh Anh Tuấn - người đóng cặp cùng Giáng My trong Những lá thư từ Sơn Mỹ - cho hay anh hẫng hụt khi đạo diễn qua đời.
"Chú Lê Dân là một đạo diễn hiền hòa. Khi nói chuyện bao giờ cũng giữ phong thái nhỏ nhẹ, tạo cho người khác cảm giác thoải mái khi làm việc. Tôi hơi bất ngờ khi nghe tin chú mất", nam diễn viên chia sẻ.
Sinh năm 1928, NSƯT Lê Dân (tên thật là Lê Hữu Phước) là một trong những đạo diễn đầu tiên của nền điện ảnh Việt Nam. Trên 50 năm hoạt động nghệ thuật, thử sức với nhiều dạng đề tài, tên tuổi Lê Dân ghi dấu ấn với giải đặc biệt tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ sáu năm 1983 cho phim Pho tượng, Bông Sen Bạc năm 1993 và Giải A Hội điện ảnh Việt Nam năm 1994 cho phim Xương rồng đen.
Những bộ phim nổi tiếng của Lê Dân còn có Loan mắt nhung, Hồi chuông Thiên Mụ, Chuyện tình Lan và Điệp, Trước giờ giới nghiêm (trước 1975), Dòng sông mơ ước, Ông cố vấn, Chuyện tình người con gái đất đỏ... Lê Dân cũng là người giúp tạo dựng những tên tuổi màn bạc như Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Huỳnh Thanh Trà, Túy Hồng, Băng Châu (trước 1975), sau này là Diễm My, Việt Trinh...
Tang lễ Lê Dân được tổ chức tại nhà riêng ở quận 12, TP HCM.
Châu Mỹ
Sources: Vnexpress |