Ngày Đăng: 15 Tháng 04 Năm 2015 Paul Walker, Lý Tiểu Long đều được công nghệ đồ họa vi tính và hiệu ứng kỹ xảo đặc biệt tái tạo như thật trên màn ảnh sau khi họ đột ngột qua đời.
Paul Walker – Fast & Furious 7
Sau khi tài tử Paul Walker qua đời hồi năm 2013, phim Fast & Furious 7 dùng công nghệ đồ họa vi tính (CGI) kết hợp với hai em trai đóng thế để tái tạo hình ảnh nam diễn viên. Khi ra mắt, tác phẩm được đánh giá là lời tri ân sâu sắc với ngôi sao bạc mệnh bằng những hình ảnh sắc nét và chân thực. Bộ phim khiến người hâm mộ toàn cầu cảm động vì được thấy thần tượng sống dậy và đi lại, thực hiện những pha mạo hiểm thực sự trên màn bạc. Theo êkíp sản xuất, khoảng 40% các cảnh trong phim là dùng công nghệ vi tính.
Philip Seymour Hoffman - The Hunger Games: Mockingjay - Part 2
Công nghệ CGI cũng sẽ được áp dụng để tái tạo hình ảnh tài tử quá cố Philip Seymour Hoffman trong phần hai của The Hunger Games: Mockingjay. Nam diễn viên qua đời năm 2014 tiếp tục hóa thân thành nhân vật Plutarch Heavensbee trong một số cảnh chủ chốt. Cố vấn hình ảnh Rob Legato của The Hunger Games bày tỏ tiếc thương: “Dù công nghệ có chân thực và hiện đại đến đâu, không ai có thể thay thế được diễn xuất tài năng của Hoffman”. Các nhà làm phim hy vọng tác phẩm sẽ là lời tri ân sâu sắc đối với nam diễn viên từng giành Oscar. Phim sẽ ra mắt vào tháng 11 năm nay.
Marlon Brando - Superman Returns
Ngôi sao nổi tiếng toàn cầu qua phim kinh điển Bố Già từng đóng vai cha của Superman (Siêu nhân) trong phim Superman: The Movie (1978). Khi bộ phim Superman Returns được sản xuất năm 2005, các nhà làm phim quyết định làm sống lại nam diễn viên qua đời hai năm trước đó. Những hình ảnh của Marlon Brando được trích xuất từ những đoạn phim cũ mà ông đóng cho loạt Superman và kết hợp với công nghệ hình ảnh số. Để được phép sử dụng hình ảnh tài tử danh tiếng, các nhà làm phim đã phải thương thảo với gia đình ông. Đây cũng là tập phim mà đạo diễn Bryan Singer dành để tri ân nam diễn viên huyền thoại.
Laurence Olivier – Sky Captain and the World of Tomorrow
Khi bộ phim phiêu lưu giả tưởng Sky Captain and the World of Tomorrow (Thống soái bầu trời) được sản xuất rồi ra mắt năm 2004, nam diễn viên Laurence Olivier đã qua đời hơn 13 năm. Trong phim, cố tài tử thuộc hàng nổi tiếng nhất mọi thời đại của nước Anh “sống lại” và hóa thân thành vai ác nhân – nhà khoa học điên. Để làm được điều đó, đạo diễn Kerry Conran sử dụng những hình ảnh lưu trữ của Laurence Olivier hồi còn trẻ, kết hợp với giọng nói của các diễn viên đóng thế khiến nhân vật của anh sống động như thật. Các nhà làm phim chia sẻ rằng chỉ có Laurence Olivier mới là nhân vật đủ tầm để đồng hành với sao chính của phim – Jude Law.
Oliver Reed - Gladiator
Khi tài tử gạo cội người Anh - Oliver Reed - qua đời năm 1999 ở tuổi 61, bộ phim Gladiator có ông tham gia đang quay dở. Trong phim, Oliver Reed đóng một vai quan trọng - lão chủ nô lệ tham lam và keo kiệt. “Chúng tôi tưởng đó đã là dấu chấm hết cho phim”, chuyên gia hiệu ứng hình ảnh Rob Harvey nói. Các nhà làm phim sau đó đã viết lại kịch bản, sử dụng người đóng thế, ghép lại các hình ảnh lưu trữ của Oliver Reed và khiến ông lên hình đầy đủ.
Gladiator cũng là bom tấn sử dụng công nghệ kỹ thuật số nổi tiếng của nhà làm phim Ridley Scott. Bộ phim sử thi này có hàng loạt cảnh quay dùng công nghệ CGI như dựng lại đấu trường La Mã. Với câu chuyện hoành tráng và hình ảnh mãn nhãn, phim thu về 450 triệu USD và nhận được 5 giải Oscar – trong đó có “Đạo diễn xuất sắc”, “Nam diễn viên chính xuất sắc” và “Kỹ xảo hình ảnh xuất sắc”.
Roy Scheider – Iron Cross
Trong quá trình quay phim giật gân Iron Cross, sao chính là tài tử gạo cội Roy Scheider qua đời. Các nhà làm phim sau đó xin phép gia đình Scheider để tái tạo nam diễn viên bằng hóa trang mặt nạ và công nghệ CGI. Số cảnh quay còn lại có tài tử không nhiều và các cảnh quay áp dụng công nghệ đồ họa vi tính nhận được phản hồi tích cực từ phía người xem.
Tác phẩm của Joshua Newton là lời tri ân với tài tử quá cố, giành giải Visionary Filmmaker Award (Giải tầm nhìn cho nhà làm phim) ở LHP Boston, Mỹ lần thứ 26.
Lý Tiểu Long – Game of Death
Năm 1973, tài tử Lý Tiểu Long đột ngột qua đời khi tác phẩm Game of Death mới quay được hơn 100 phút phim gốc. Đạo diễn Robert Clouse đã phải viết lại phần lớn kịch bản, sử dụng hai diễn viên đóng thế và hàng loạt dữ liệu hình ảnh lưu trữ về Lý Tiểu Long để ráp nối cho bộ phim hoàn chỉnh. Hiệu ứng hình ảnh đặc biệt được áp dụng trong phần hậu kỳ dựng phim.
Trên trường quay, hai diễn viên đóng thế cho Lý Tiểu Long khi đó phải hóa trang, đeo kính râm và dán râu giả để trông thật giống huyền thoại võ thuật. Trong nhiều cảnh chiến đấu, các nhà làm phim quay nhiều đúp quay cận cảnh nhất có thể. Dữ liệu về Lý Tiểu Long được trích một số từ phim trước đó như Enter the Dragon, và bị phát hiện dễ dàng vì hình ảnh không trùng khớp với phim mới.
Bộ phim ra mắt 5 năm sau cái chết của huyền thoại – 1978, và được đánh giá cao về mặt sản xuất. Game of Death cũng ghi hình đám tang thật của Lý Tiểu Long và cảnh này cũng xuất hiện trên bản dựng cuối cùng.
Lý Quốc Hào – The Crow
Con trai Lý Tiểu Long – tài tử Lý Quốc Hào, bị bắn chết ngay trên trường quay bộ phim The Crow đang ghi hình dang dở. Gần 20 năm sau cái chết của Lý Tiểu Long, công nghệ vi tính giờ đây đã tốt hơn và có thể giúp tái tạo con trai của huyền thoại võ thuật lên màn ảnh dễ dàng hơn. Mặc dù đoàn phim không gặp khó để vá cảnh có Lý Quốc Hào bởi nam diễn viên chỉ còn ba ngày quay theo kế hoạch, những diễn viên từng chứng kiến cái chết thương tâm của tài tử suy sụp tinh thần và từ chối trở lại trường quay.
Bộ phim đã tạm dừng một thời gian trước khi tái sản xuất. Cảnh phim dở được viết lại, sử dụng các diễn viên đóng thế và công nghệ CGI giúp tái tạo mặt của Lý Quốc Hào. Khi ra mắt, công nghệ hiệu ứng hình ảnh của phim được đánh giá cao. Bộ phim được dành để tri ân vợ sắp cưới của ngôi sao bạc mệnh khi đó là Eliza.
Nancy Marchand - The Sopranos
Minh tinh Nancy Marchand qua đời năm 2000 vào đúng lúc loạt phim truyền hình ăn khách The Sopranos đang trong giai đoạn sản xuất. Tập phim có tên Proshai, Livushka có nữ diễn viên thủ vai thậm chí chưa quay cảnh nào. Không chần chừ, các nhà làm phim quyết định làm sống lại minh tinh bằng cách sử dụng hình ảnh có sẵn từ những tập trước, xử lý qua công nghệ CGI. Khi ra mắt, nhiều người cảm thấy hình ảnh về nữ diễn viên quá cố không tự nhiên nhưng vẫn chấp nhận được.
John Candy – Wagons East!
Wagons East là bộ phim cuối cùng của nam diễn viên John Candy và không may, khi phim chưa hoàn thành thì ông qua đời ngay trên trường quay ở Mexico. Để hoàn thành những cảnh còn thiếu, các nhà làm phim sử dụng hình ảnh đã quay trước đó của John Candy và cắt ghép, làm mượt lại bằng công nghệ vi tính. Việc sử dụng công nghệ của phim được đạo diễn khẳng định là sẽ làm tài tử quá cố hạnh phúc.
Vũ Văn Việt
Sources: Vnexpress |