Ngày Đăng: 06 Tháng 01 Năm 2015 Vở diễn mở màn sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần là câu chuyện về những vụ án mạng và lòng tham không đáy làm mờ mắt con người.
"Đêm vượn hú" (tác giả kịch bản Xuyên Lâm, đạo diễn Chánh Trực) là một trong số ít vở diễn trên sân khấu 5B khắc họa chất kinh dị, sử dụng thủ pháp "hù dọa" khán giả.
Ngay từ đầu vở diễn, hình ảnh ông già gù (Nghệ sĩ Ưu tú Việt Anh) cầm con búp bê bằng len trong ngôi biệt thự hoang tàn mang đến không gian rờn rợn. Lời kể của lão gù dần đưa khán giả đi vào câu chuyện nhiều tình tiết, qua sự kết nối của các tuyến nhân vật. Ở đó có Liên Ngố (Nghệ sĩ Ưu tú Mỹ Uyên thủ diễn) - người đàn bà ngoại tình; Sinh (Nghệ sĩ Ưu tú Hữu Quốc) - gã trai hoang đàng; Liễu Phố (người mẫu Trang Trần) - người đàn bà lăng loàn, trơ trẽn; bà chủ căn biệt thự cổ (Nghệ sĩ Ưu tú Lê Thiện) - một bà già tật nguyền, gắn chặt cuộc đời trên chiếc xe lăn hay thằng gù (Hùng Thuận) - người đầy tớ trung thành...
| Hùng Thuận (trái) vào vai thằng gù đáng thương trên sân khấu. Nghệ sĩ Ưu tú Lê Thiện (phải) ở tuổi 70 vẫn gây bất ngờ cho khán giả với diễn xuất linh hoạt. Kịch ra mắt khán giả từ ngày 9/1. |
Ngoài các mối quan hệ vợ - chồng, mẹ - con, tình nhân, chủ tớ... những nhân vật trên gắn kết thông qua nhân vật thám tử tư (Chánh Trực thủ vai). Thám tử tư được bà lão tật nguyền lắm tiền thuê đến biệt thự cổ để điều tra về sự xuất hiện của bóng đen thường xuyên lởn vởn trong căn nhà. Ông ta vô tình thành "cái gai" trong mắt ông Sinh. Cái chết của người vợ xấu số của ông Sinh dần được xới lại, kéo theo nhiều mâu thuẫn và diễn tiến.
Tác giả Xuyên Lâm từng thành công trên sân khấu Phú Nhuận với kịch bản Người vợ ma - vở diễn gây sốt vé kỷ lục trong làng sân khấu TP HCM. Lần này, với Đêm vượn hú, anh tiếp tục tung mảng miếng từng khiến kịch của mình ăn khách trước đó. Không đậm đặc chất kinh dị như Người vợ ma, tác phẩm mới của Xuyên Lâm sử dụng lại vài "chiêu" để thỉnh thoảng làm khán giả thót tim như: bóng đen thoắt ẩn, thoắt hiện, người đàn bà vật vã bên lan can ngóng về bầy vượn đang gọi bầy hoang dại, căn phòng trên gác xép u ám và gợi những bí ẩn, mưu mô... Các tình tiết mang đến cảm xúc cho khán giả nhờ sự kết hợp giữa âm nhạc, ánh sáng đèn lazer, thủ pháp kể chuyện đan xen hồi tưởng với thực tại thường dùng trong điện ảnh...
| Nghệ sĩ Ưu tú Mỹ Uyên (trái) và Hữu Quốc. Mỹ Uyên nhập vai thành công người đàn bà phải trả giá vì những dục vọng mà cô theo đuổi. |
Tuy vậy, điểm nhấn của kịch không nằm ở tình tiết "hù dọa" khán giả. Bên trong câu chuyện về bóng đen và cái chết, vở là lời cảnh tỉnh về lòng tham, lọc lừa, mưu mô, tư lợi làm mờ mắt con người. Thông điệp được gửi gắm qua diễn xuất của các nghệ sĩ. Chính diễn xuất tài tình của họ giúp che đi sự lỏng lẻo trong kịch bản do tác giả tung ra nhiều tình tiết nhưng các nút thắt - mở để giải quyết chưa được tròn trịa.
Diễn viên Mỹ Uyên lột tả nỗi đau tột cùng của người đàn bà ngoại tình phải trả giá cho hạnh phúc gia đình bị đánh mất. Ánh mắt, chuyển động cơ thể và đài từ của Mỹ Uyên được chuyển biến phù hợp với từng lớp diễn thể hiện tâm trạng. Có lúc, đó là nỗi khao khát yêu đương khi chồng vắng nhà vì tù tội. Cũng có lúc, đó là sự căm thù khi người đàn bà gần như phát cuồng vì bị bỏ rơi cô đơn trong căn phòng trống, vật vã ngóng về lũ vượn có đủ bầy đàn.
Đối lập với nhân vật của Mỹ Uyên, nhân vật do Trang Trần thể hiện mang đến màu sắc riêng. Người mẫu cường điệu diễn xuất để diễn tả sự trắc nết của một ả ham tiền. Khán giả dành cho Trang Trần những tràng pháo tay vang dội vì cô diễn rất tự nhiên với phong cách tưng tửng đặc trưng.
Một điểm nhấn không thể không kể đến trong vở kịch là vai bà lão tật nguyền do Lê Thiện thủ diễn. Ở tuổi 70, nữ Nghệ sĩ Ưu tú Lê Thiện mang đến nhiều bất ngờ cho khán giả với diễn xuất linh hoạt và sinh động.
Vai thằng gù của Hùng Thuận mang đến nhiều cảm xúc về sự thật thà, chân chất. Thằng gù được tác giả gửi gắm nhiều giằng xé, dằn vặt nội tâm. Hắn là người chứng kiến cái ác nhưng vẫn chưa đủ can đảm để lên tiếng vạch trần và tố cáo cái ác. Bên cạnh thằng gù, kịch còn có nhân vật không xuất hiện nhưng được gọi tên từ đầu đến cuối. Đó là bé Ái - đứa con gái nhỏ đã chết của Liên Ngố. Bé Ái là ẩn dụ mà tác giả muốn chia sẻ với người xem về lòng nhân ái, về tính thiện ở mỗi con người.
| Trang Trần (phải) mang đến màu sắc thú vị cho vở kịch qua nét diễn tếu táo. |
Từ trước đến nay, Nhà hát kịch 5B Võ Văn Tần (Hội Sân khấu TP HCM) là điểm diễn của những tác phẩm sân khấu đa dạng về thể loại. Kịch mục của đơn vị này có đầy đủ màu sắc: hài hước, tâm linh, những thể nghiệm mới về cách thể hiện ngôn ngữ sân khấu... Nhưng nhìn chung, các tác phẩm trung thành với phong cách chính luận. Với Đêm vượn hú, có thể thấy, 5B đang mạnh tay muốn thay đổi để thích nghi với môi trường kịch giải trí, phục vụ khán giả nói chung ở TP HCM. Như lời chia sẻ của Nghệ sĩ Ưu tú Mỹ Uyên - phó Giám đốc Nhà hát: Trong sự cạnh tranh kéo khán giả đến với sân khấu hôm nay, mỗi đơn vị cần suy nghĩ về việc cải tiến, thay đổi phong cách để tồn tại.
Bài, ảnh: Thất Sơn
Sources: Vnexpress |