Ngày Đăng: 14 Tháng 01 Năm 2005 Với 167 tập phim chủ đề chiến tranh, Trần Vịnh trở thành đạo diễn thực hiện nhiều phim nhất về đề tài này. Trong khi đó, anh lại là đạo diễn không thuộc biên chế một cơ quan hay hãng phim nào.
- Động lực nào khiến anh tập trung vào đề tài chiến tranh?
- Tôi từng là người lính ở chiến trường. Mùi bom đạn, cái chết không còn xa lạ gì với tôi. Để có được chiến thắng, bao nhiêu người lính đã hy sinh. Nhiều người đã không còn lưu lại tên tuổi trên bia mộ chứ đừng nói gì đến việc được nhận huân chương. Những năm tháng thanh xuân của tôi gắn với chiến tranh. Hình ảnh người chiến sĩ nằm xuống thôi thúc tôi làm phim về họ.
- Tại sao anh lại thích hoạt động nghề nghiệp tự do?
- Đó là điều bất đắc dĩ. Năm 1987-1988, tôi thực hiện bộ phim ba tập Lời khẩn cầu, được dư luận khán giả đồng tình cổ vũ. Tưởng thành công sẽ đem lại may mắn, ai ngờ một số người phát hành phim gây chuyện, khiến tôi buộc phải viết đơn xin thôi việc.
- Kể từ 1989, tuy không thuộc biên chế một hãng phim nào nhưng anh lại được nhiều hãng đặt làm phim. Bí quyết nào vậy?
- Muốn được các hãng đặt làm phim, tôi phải chứng tỏ thế mạnh của mình so với các đạo diễn khác trong hãng. Bất kể phim gì, khi thực hiện tôi cũng phải vật lộn hết mình mới mong phim đứng được. Đây là đặc điểm khác biệt cơ bản giữa anh nghệ sĩ trong và ngoài biên chế. Đạo diễn trong biên chế thực hiện một bộ phim chỉ cần xong đúng thời hạn và được duyệt là yên tâm có việc làm tiếp.
- Khi làm phim, điều gì khiến anh sợ nhất?
- "Thế cũng được rồi", câu nói cửa miệng của mọi người trong đoàn làm phim khiến tôi sợ nhất. Nếu như ai cũng bằng lòng thì chất lượng phim liệu có thể đảm bảo không?
- Chi phí cho một tập phim truyền hình bất kể dài ngắn, nhân vật nhiều ít, bối cảnh phức tạp và đơn giản... đều như nhau, làm thế nào mà anh vẫn thực hiện được những phim chiến tranh có bối cảnh phức tạp?
- Đó cũng là một lợi thế để tôi có thể cạnh tranh với các đạo diễn khác trong biên chế. Những cái khó khi làm phim về đề tài chiến tranh như: phương tiện vật chất, súng ống, trang phục, quả nổ..., đặc biệt là bối cảnh xe cộ, khí tài cũ rất khó kiếm và phục hồi, có khi phải thuê từ bảo tàng. Ngay việc ngói hóa, bê tông hóa các mái nhà nông thôn thay cho các căn nhà tranh tre vách đất cũng tạo khó khăn không nhỏ. Ý thức được cái khó này, cứ mỗi lần làm phim tôi đều cố gắng tích lũy một chút trang phục, đạo cụ để chuẩn bị cho những kế hoạch dài hơi. Những trang phục từ cái nhỏ là mũ tai bèo, áo giáp đến trang phục Pháp, Mỹ ngụy tôi đều có. Một số trang phục dân tộc cũng được đầu tư may theo mẫu như 40 bộ quần áo của dân tộc Răgley trong phim Người đàn bà đi trong mưa...
- Ngoài việc tích lũy dần phục trang, đạo cụ, anh còn tổ chức làm phim như thế nào để tiết kiệm và hiệu quả?
- Đoàn làm phim của tôi được tổ chức chặt chẽ như một đơn vị quân đội. Tính bình quân, mỗi tập phim chúng tôi chỉ quay mất 5 ngày. Muốn vậy, công tác chuẩn bị phải hết sức chi tiết và kỹ càng. Bối cảnh chuẩn bị xong, chúng tôi mới mang “quân” đi. Quân đã đến bối cảnh là “nội bất xuất”, tránh tình trạng chạy sô. Việc nấu ăn được thực hiện tại chỗ. Mỗi ngày, mọi người trong đoàn được ăn bốn bữa và việc cấp dưỡng được đảm bảo chất lượng, vệ sinh. Diễn viên được nghỉ ngơi buổi trưa.
Việc thực hiện một bộ phim đúng lịch trình thời gian sẽ tiết kiệm được rất nhiều kinh phí. Chỉ một ngày lỡ quay, số chi phí phát sinh sẽ nhìn thấy ngay: tiền ăn của đoàn, tiền thuê xe, thuê máy... tính đơn giản cũng là vài triệu đồng.
- Khi chỉ đạo những cảnh quay, điều gì khiến anh chú ý nhất?
- Khi đánh quả nổ. Tôi thường ví việc này giống như ta cầm chìa khóa để bước vào nhà tù. Bản thân tôi từng lĩnh trọn ba viên sỏi bắn xuyên phổi khi tham gia phim Vào đời của đạo diễn Huy Thành năm 1987. Rồi ngay chính bản thân tôi mấy tuần trước khi chỉ đạo phim Làng cát cũng vô tình không tính toán kỹ sức gió nơi động cát, khiến khi đánh quả nổ lửa đã tạt làm xém mặt hai diễn viên.
Việc an toàn cho diễn viên khi đóng những cảnh quay nguy hiểm cần được tính toán kỹ đến mức tuyệt đối. Tại nhiều nước có nền điện ảnh phát triển, họ còn chú trọng việc tạo ra những đạo cụ mới thay thế cho đồ thật. Ví như đóng cảnh một người bị bắn thủng ngực, chảy máu, thì chỉ cần dán một miếng đạn nổ vào áo trong là xong.
- Phim của anh được nhiều người khen là biết tạo ra những gương mặt diễn viên mới. Anh đã thực hiện điều này như thế nào?
- Có hai cách để tôi tạo ra sự mới mẻ. Thứ nhất, tôi tuyển chọn những diễn viên hoàn toàn mới rồi hướng dẫn họ cách diễn xuất. Cách này thì tôi phải chịu vất vả. Muốn diễn viên lội xuống bùn giữa trời rét thì mình phải thị phạm trước. Cách diễn hồn nhiên của diễn viên mới tuy không thuần thục như diễn viên cũ nhưng sẽ tránh được lối mòn. Nếu như người diễn viên mới mà không lười, nhập được vai diễn thì mình được hưởng sự “thanh xuân” của họ.
Cách thứ hai là hoán vị đội ngũ diễn viên. Khi thực hiện phim có bối cảnh miền Nam, tôi chọn diễn viên miền Bắc đóng rồi lồng tiếng Nam và ngược lại. Cách này kết hợp với sự thay đổi hóa trang cũng tạo ra những nét mới.
- Anh ước vọng gì về nghề?
- Tôi muốn đến khi giã từ nghề có thể thực hiện được 300 tập phim về chiến tranh. Với tình hình cơ chế hiện tại, tôi nghĩ làm được như thế cũng là rất cố gắng.
(Theo Tiền Phong)
Sources: Vnexpress |