Ngày Đăng: 01 Tháng 11 Năm 2002 Ngoài hình ảnh một diễn viên hài tinh tế, ông còn được người hâm mộ nhớ đến bởi quán bánh trôi tàu ở 30 Hàng Giầy, Hà Nội. Phạm Bằng từng tâm sự rằng, công việc diễn viên và bán quán đều là nghề bất đắc dĩ của ông.
- Tại sao lại là nghề bất đắc dĩ?
- Tôi mở quán là vì miếng cơm manh áo. Cách đây 23-24 năm, lương nghệ sĩ không đủ sống nên tôi cùng gia đình bán thêm đủ thứ, từ bia đến nước giải khát, sau mới đến món này. Còn nghề diễn viên thì cũng do duyên số, tôi là dân Cao đẳng Giao thông đấy chứ. Tham gia phong trào văn hóa văn nghệ nghiệp dư, sau đó thi vào Đoàn văn công Hà Nội, tiền thân của Nhà hát Kịch Hà Nội bây giờ. Năm 1975 mới chuyển sang Nhà hát Kịch VN rồi nghỉ hưu.
- Thế còn nghề bánh trôi của gia đình ông?
- Gia truyền đời đầu đấy. Tức là từ vợ chồng tôi cả thôi. Chúng tôi vừa làm vừa nghiên cứu. Bà nhà tôi khởi xướng. Bà ấy vừa mất cách đây 5 tháng.
- Vậy hiện nay ông xoay sở công việc thế nào?
- Không an nhàn tý nào. Sáng dậy từ 5-6h, tùy mùa. Đi xay bột rồi về nặn bánh, nấu đậu, làm nhuyễn... Số lượng nhiều nên làm lâu lắm. Chỉ có một tiếng ăn cơm, nghỉ trưa, còn thì từ lúc dậy đến 3h chiều mới tạm xong phần chế biến. Tôi chỉ đạo cho 6 người làm, trong đó có cả con gái. Thú thật, từ khi bà xã mất, tôi định đóng quán, chỉ đi diễn thôi.
- Nếu chỉ đi diễn thì có đủ sống không?
- Cũng tàm tạm, mỗi tháng thu nhập khoảng vài triệu đồng. Tuy nhiên, tôi cũng hay phải đi các tỉnh xa. Cũng may là ở tuổi này mà tôi đi vẫn không mấy khi cảm thấy mệt.
(Theo Thể Thao - Văn Hóa)
Sources: Vnexpress |