Ngày Đăng: 16 Tháng 10 Năm 2006 "Đã quyết rồi. Không thử. Cứ cắt. Cắt thật ngắn. Phăng teo mớ tóc dài thuần Việt. Trong lòng đã chán, chán tất cả. Vậy thì cắt tóc, bỏ nghề và… Chẳng cần tuyên bố gì", Lê Vân quyết định cắt phăng mái tóc dài mượt chỉ vì không chịu nổi những bức xúc nghề nghiệp.
Gần đây, đạo diễn Vương Đức có đến chơi, chuyện gẫu nhắc lại thời kỳ "xuống tóc" ấy cứ hỏi tôi lý do tại sao. Khi Vương Đức làm phim Cỏ lau có mời tôi vào một vai, nhưng rồi không bắt gặp nhau thế nào đó, không hợp tác được. Vì là thời kỳ chán tất cả nên từ chối cũng dễ dàng, thấy không ổn thì thôi chứ cũng chẳng cố làm gì. Rồi đến phim Cây bạch đàn vô danh, đạo diễn Thanh Vân mời, tôi cũng từ chối. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh mời làm phim Bến không chồng, Ninh nói: “Đọc đi, mời Vân một trong hai vai, tùy bạn chọn”. Lúc ấy tôi chưa cắt tóc, vừa đóng xong phim Lời thề. Nếu không bị chán nản, chỉ sau một hoặc hai năm thôi, tôi đã làm được một khối lượng lớn phim có giá trị văn học. Chẳng hiểu sao tôi không ham cũng chẳng luyến tiếc.
Vương Đức hỏi dò: “Vì sao Vân lại thôi, như ở nước ngoài người ta phải tuyên bố lý do. Khán giả yêu mến vẫn hỏi lý do vì sao Vân thôi, ít nhiều cũng phải tuyên bố chứ. Phải hứa nhé, sau đây phải tuyên bố nhé”. Hình như Vương Đức đang phụ trách một mục gì đó trên báo. Tôi nửa đùa nửa thật bảo: “Này, tôi là dân ngoại đạo chứ có phải dân chuyên nghiệp đâu mà cần tuyên bố”. Nhưng Vương Đức vẫn cố khai thác: “Thôi thì ngồi riêng với nhau nói chuyện bạn bè vậy, tại sao lại không đóng phim nữa?”. Bị gặng hỏi sát sạt theo kiểu “khủng bố” như vậy tôi chỉ biết cười trừ, gật gù, nhưng trong lòng nhói lên một câu nói của Ruồi Trâu: “Xác chết rồi nên để nằm yên, bới lên làm chi?”.
Từ đâu đó thăm thẳm trong tim...
Không dễ nói một cách thật cụ thể vì sao tôi không muốn làm nghề nữa. Có quá nhiều thứ dồn nén, chi phối khiến tôi vô cùng mệt mỏi, chán nản. Bỗng nhiên chỉ nhìn thấy toàn những mặt trái của cuộc sống, đặc biệt là của những người làm nghệ thuật.
Có lẽ sự chán nản đã ủ mầm từ lâu và chỉ vỡ bục ra vào năm 1995 đáng nhớ ấy. Sau hội diễn đầu năm ở Cần Thơ, dù được trao giải nghệ sĩ xuất sắc lần ba nhưng trong tôi vẫn chẳng sống lại được chút tinh thần sáng tạo nào. Suốt một năm làm việc bận bịu mà cứ lờ mờ nhận thấy một cái gì đó không ổn. Giống như là mất mát, trống rỗng, hẫng hụt. Như là vỡ mộng. Nói vỡ mộng không hẳn đúng vì lúc đó tôi không còn ngây thơ đến mức quá thần thánh điều gì nữa, nhưng cái vỡ mộng đây là về nhân cách con người, cụ thể là nhân cách nghệ sĩ.
Trước kia, do chưa trưởng thành nên chưa đủ tầm nhìn, sự quan sát để nhận thấy điều đó. Cái điều đã và đang tồn tại bấy lâu nhưng mình còn quá trẻ để nhận thức, hoặc do mình còn làm việc một cách rất thụ động. Nhưng dần dần, bằng thực tế làm việc, tôi nhận ra những sự thật khủng khiếp tàn bạo. Cái sự thật chẳng ai dạy dỗ mà do tôi phải tự hớp lấy, thâu nạp lấy. Không biết phải tin vào ai, tin vào cái gì nữa. Thế là thấy chán.
Chán từ đâu đó thăm thẳm trong tim. Chán đến thở hắt ra ngoài miệng. Chán cả “hai người tình” nghệ thuật sân khấu lẫn điện ảnh cùng một lúc. Chán không thể gượng lại được nữa.
Có lẽ cái quan điểm làm nghệ thuật của tôi khác đời quá chăng. Đến với nghệ thuật, trước hết phải có một sự đồng cảm. Khi đã gặp được ý tưởng hay từ kịch bản, từ đạo diễn thì sẵn sàng làm hết mình, không đắn đo đòi hỏi. Với tôi, chưa bao giờ chữ tiền được đưa ra thảo luận. Vấn đề là phải thích công việc đó. Tôi không chấp nhận được cái thực tế quá phũ phàng, quá đời. Không chịu được những mặt trái của nó, thế là tự mình làm khổ mình. Hóa ra, người ta làm điện ảnh không phải không vì chữ tiền...
Dần dà nói đến một bộ phim, người ta chỉ bàn đến chuyện bộ phim này có tổng kinh phí bao nhiêu, kiếm được bao nhiêu tiền chứ không phải nó có tác động xã hội hay giá trị thẩm mỹ ra sao. Sau mỗi bộ phim, ai cũng thấy các thành phần chính của đoàn làm phim ngày một giàu có lên. Nhưng đáng tiếc là cư xử của họ với diễn viên, với công nhân làm phim lại tệ đi, giảm chi để tận thu tối đa cho bản thân. Thế có nghĩa là ăn chặn. Ví dụ, một bộ phim có tài trợ nước ngoài, tổng dự toán cao thì anh phải trả thù lao cho những người lao động cùng anh cao hơn, không thể rẻ mạt như những phim bình thường. Bộ phim là công sức của cả tập thể chứ đâu phải của riêng anh.
Ngược lại, làm phim xong, anh ra sức đánh bóng tên tuổi của mình mà quên hết những người khác. Như vậy là không công bằng. Cuối cùng, hiển nhiên, tất cả đều trở thành công cụ cho một vài người bóc lột. Họ cũng chỉ ăn lương của điện ảnh, vậy cái gì làm họ giàu lên? Bớt xén cảnh quay, chi phí ít đi, tiền thừa ra sẽ chảy vào túi ai? Trong khi đó, với công luận, họ lem lẻm nhân danh làm nghệ thuật; trên trường quay, họ lem lẻm hô hào người khác phải hy sinh cho nghệ thuật. Tình trạng đó lúc đầu còn kín đáo, về sau thì trắng trợn, nó đầu độc môi trường làm nghệ thuật khiến người ta chỉ nghĩ về nó thôi đã thấy ngạt thở. Thấy mình bị lừa. Một câu hỏi day dứt không nguôi: Tại sao mình lại phải chịu để cho người ta lừa?
Chưa bao giờ tôi đủ dũng cảm để hỏi thù lao vai diễn của mình được bao nhiêu. Chả hiểu tại sao cứ thấy rất ngại ngùng khi nói về tiền bạc trước một vai diễn, cứ như thể sẽ bị người ta đánh giá… Trong quá trình làm phim, thỉnh thoảng được tạm ứng cho một chút, hết quay phim cũng vừa lúc hết tiền. Thời đó bắt đầu hình thành các nhóm biểu diễn được gọi là đi “đánh quả”. Sau vài cú bị lừa họ tỉnh ngộ, hỏi thẳng rằng vai diễn này tôi được thù lao bao nhiêu. Mọi thứ đều phải chẻ hoe ra. Phải tạm ứng trước bao nhiêu? Sau diễn thanh toán nốt ra sao? Nếu không đáp ứng đúng hợp đồng, họ không làm.
Sự bóc lột ngọt ngào
Đối tượng bị bóc lột nhiều nhất chính là những diễn viên quần chúng trong những cảnh đông người. Họ thường đi đến những đơn vị bộ đội, công trường, trường học... nơi dễ dàng huy động đám đông lớn vào vai quần chúng để quay những đại cảnh.
Lần ấy, đoàn phim quay cảnh chiến đấu tại một tỉnh gần biên giới và tất nhiên, bộ đội đóng quân gần đó được mời làm diễn viên quần chúng. Chỉ huy bảo sao nghe vậy. Họ bị bảo đi đóng phim mà chẳng có lương hay bồi dưỡng. Vì đoàn phim làm việc với chỉ huy chứ có làm việc với từng cá nhân đâu. Những người làm phim đánh vào tâm lý được lên hình, lên phim, được thấy mình đâu đó vài giây là hãnh diện tự hào rồi chết luôn cũng được chứ đâu cần đến tiền. Những người lính đâu biết rằng tất cả những lao động lớn nhỏ đó đều được tính chi li vào tổng giá thành làm phim rồi. Ăn bao nhiêu, bồi dưỡng bao nhiêu đều có cả. Các nhà tài trợ, các nhà quản lý đã tính toán rất kỹ làm sao đảm bảo sức khỏe cho diễn viên quần chúng chịu đựng được áp lực trường quay... Ấy vậy mà có rất nhiều chú lính bỗng nhiên lăn đùng ra... bất tỉnh nhân sự.
Lặng lẽ quan sát, tôi lờ mờ nhận ra đang có cái gì đó rất bất nhẫn ở đây. Cứ tưởng tượng, một người con gái gầy gò mảnh khảnh như tôi vẫn có thể chịu được áp lực trường quay, tại sao bộ đội to khỏe thế lại ngất? Họ ngất không phải vì vất vả, bị quá sức mà vì họ không thể chờ đợi lâu hơn được nữa dưới cái nắng chang chang của đồi trọc. Họ bị đói, bị khát. Giờ ăn trưa họ phải núp dưới gầm ôtô để ăn. Mà ăn cũng chẳng có giờ giấc nào cả. Thậm chí nước cũng không mang đến đủ cho họ uống. Trên những quả đồi trận địa Xuân Mai giả làm cảnh đánh nhau, những người lính hồn nhiên ra trường quay từ sáng sớm ngồi chờ, bao giờ đến lượt quay thì được gọi, mà cũng phải tập đi tập lại đội hình theo chỉ đạo của đạo diễn. Trông các chú lính trẻ măng, ngây thơ ngất lên ngất xuống thật đáng thương.
Tôi cứ miên man suy diễn như vậy và thấy thật đau đớn xót xa cho phận nước sông công lính, công cụ của mấy người nhân danh nghệ thuật làm tiền. Đấy chỉ là một ví dụ nhỏ về sự bóc lột ngọt ngào. Trên thực tế có hàng vạn điều bất nhẫn như thế xảy ra, ai biết đấy là đâu. Nhưng với tôi, nỗi đau ấy cứ len lỏi tấn công vào điểm yếu của mình, nó ngấm dần ăn sâu thành một nỗi thất vọng mênh mông về nhân cách của những cộng sự tôi từng yêu mến và kính trọng.
Và một câu hỏi nhói lên: những người lính đang bị bóc lột, bị lừa mị, còn mình, mình hơn gì họ, mình bị lừa hay chính mình đang tự lừa mình đây?
Lê Vân tự truyện
(Theo Tuổi Trẻ)
Sources: Vnexpress |