Ngày Đăng: 08 Tháng 04 Năm 2002 "Tôi không quan trọng chuyện giải thưởng, đóng xong vai Nguyễn (Mê Thảo - thời vang bóng), có thể tôi sẽ không làm phim nữa. Nhân vật như Nguyễn chắc trong đời chỉ có một lần, là tột đỉnh nghề diễn mà tôi có được", Dũng Nhi tâm sự như thế về vai mới của anh.
- Có phải Nguyễn của cụ Nguyễn Tuân đã khiến Năm Sài Gòn của Nguyên Hồng rửa kiếm, gác nghề?
- Có lẽ người ta nghĩ tôi cực đoan quá, nhưng tôi cần thời gian nghỉ ngơi. Tôi không phải là diễn viên được đào tạo chuyên nghiệp nên không biết cách thoát ra khỏi nhân vật chăng? Với vai Nguyễn, tôi đã có trước 6 tháng để chuẩn bị nhưng phim phải đi hết 1/3 chặng đường, tôi mới thực sự có cảm giác nhập vai. Đến nay, vẫn chưa thoát ra được. Kể cả những lúc ngồi thiền, đầu óc luôn vảng vất hồn Nguyễn, như ma ám vậy, kỳ lạ thế. Hồi đóng xong Bỉ vỏ, sang phim khác toàn bị đạo diễn nhắc: Này, hơi... Bỉ vỏ đấy. Mê Thảo cũng vậy. Đã mua vé ra sân bay chuẩn bị về Hà Nội, tôi còn bảo Việt Linh: Nhi có cảm giác chưa làm xong thì phải. Y như rằng, phim hỏng một đoạn, phải bay vào quay lại.
- Cảm giác các nhân vật của anh luôn trượt theo hai thái cực: khảng khái, trong sáng và cực đoan, gàn dở. Còn bản thân anh thuộc "cực" nào?
- Tôi là người trung dung. Thời gian đầu đóng phim, mọi người nghĩ mình có cái mặt chính phái, chuyên vào vai cộng sản, anh hùng: bộ đội Trường Sơn (Từ một cánh rừng), Tô Hiệu (Lời anh chưa kịp nói). Vai diễn một ông thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên cán bộ từ R về, là kẻ hai mặt, đê tiện trong Người rừng là bước ngoặt mới.
Nhưng phải đến Năm Sài Gòn mới thực sự ấn tượng. Bộ mặt chính phái thoắt đã dữ dằn. Trước đó, chưa bao giờ tôi thử sức ở dạng vai này. Khi nhận đóng Năm Sài Gòn, phản ứng đầu tiên là của Xí nghiệp phim truyện VN (nay là Hãng phim truyện Việt Nam), anh em bảo: Ối giời, cái thằng suốt đời đóng vai cộng sản, bây giờ đóng ăn cướp thì ngửi làm sao được. Người ta chờ là chờ sự thất bại. Đây là bộ phim video thứ hai của Việt Nam, sau Số đỏ. Phim hoàn thành, duyệt xong đem về chiếu ngay ở Hãng, chị Trà Giang vui vẻ: Đây là phim em đóng có ấn tượng nhất. Để thâm nhập Năm Sài Gòn tôi xuống Hải Phòng nhờ một bác hướng dẫn đánh xóc đĩa. Quay cảnh ấy, mình nhuyễn cách nắm cái đít bát, búng lên rồi từ từ chộp lấy cho đúng dân anh chị. Động tác móc túi cũng vậy. Thao tác xong, ông quay phim rỉ tai: Lúc nãy cậu đã lấy ví chưa? Lấy rồi, đây này. Sao tôi không nhìn thấy gì cả? Sau đó phải quay đúp 2, làm chậm hơn để khán giả cảm nhận theo con mắt của người quay phim. Bỉ vỏ kéo tôi vào một loạt vai đểu giả khác.
- Từng là giáo viên dạy văn, anh thích nhà văn nào nhất?
- Cụ Tuân. Văn cụ vừa chơi chơi vừa bay bổng, luôn làm người ta phải suy tư, đọc xong để thấm những điều cụ muốn nói không dễ. Nhận vai Nguyễn, tôi có cảm giác tầm của nhân vật cao quá khả năng, luôn phải kiễng chân, với tay. Con người anh ta thay đổi cực kỳ nhanh chóng nên khi đóng phim, tôi không dám rời Nguyễn nửa bước. Vào quay ở Sài Gòn cũng không dám đi thăm người nhà. Riêng hôm sinh nhật Việt Linh, cả đoàn thư giãn bay bổng. Nhưng hôm sau, sáng quay cảnh Nguyễn vui vẻ, chiều quay cảnh lặng lẽ, tôi và Đơn Dương đều làm không thành công. Tai hại thế. Đúng là tác phẩm văn học hay muốn chuyển thể thành phim hay khó lắm. Nhân vật các cụ viết ra đã cao quá rồi, định hình trong lòng người đọc rồi, làm non một chút cũng dễ bị coi là hỏng. Nhưng thuận lợi ở chỗ có độ rung với tâm hồn, tạo cảm xúc tốt khi diễn xuất. Gia đình cụ Tuân có lên xem phần hậu kỳ của Mê Thảo, thấy khá hào hứng.
- Từng đóng chung với những nữ diễn viên nổi tiếng về cả nhan sắc và tài năng, có lúc nào anh mềm lòng trước người đẹp?
- Mình gốc gác nhà giáo, không thích chuyện ồn ào. Dù có yêu đương đến mấy ở trong lòng cũng phải cố mà giữ, nhất là đã có vợ con, trách nhiệm nặng hơn ý muốn xấu xa nào đó tự dưng mọc ra. Tôi rất quý các nữ diễn viên cùng đóng chung, chẳng phải giấu, nhưng ở mức bạn bè, anh em. Với Như Quỳnh trong Bài ca ra trận thì vợ chồng mình với vợ chồng Quỳnh trước đó đã biết nhau rồi, thân như anh em. Với Hoàng Cúc cũng vậy, thành vợ chồng đầu gối tay ấp nhưng chuyện phim là phim (Bỉ vỏ). Mỗi người có tố chất riêng, Quỳnh tinh tế, nhạy cảm và tương đối dễ đóng. Hoàng Cúc thông minh, sắc sảo, Minh Trang (Mê Thảo thời vang bóng) tuy trước đó chưa thực sự thân thiết nhưng cả hai đều cố gắng hết mình. Là diễn viên, dù năng lực mình đến đâu thì cũng là phải làm đến tận cùng. Ví như trong Mê Thảo, lần đầu tôi phải đóng cảnh làm tình với tượng gỗ. Người với người còn khó đằng này lại tượng.
- Với tư cách người trong giới, anh có nhận xét gì về cậu con trai Lê Vũ Long?
- Tôi không hiểu tại sao có người lại viết và nhìn nhận nó là một nam diễn viên “đẹp trai đến từng centimet”! Đàn ông không cần đẹp, đó chỉ là yếu tố phụ, tài năng mới là chính. Chị Đức Hoàn xem xong Những người thợ xẻ nhận xét: Nó hơn bố rồi đấy. Việt Linh có xem qua Của rơi, nói: Tôi đã chấm nó vào sổ rồi, dứt khoát nó phải làm phim với tôi. Điều đó làm tôi hãnh diện.
(Theo Tiền Phong)
Sources: Vnexpress |