Ngày Đăng: 10 Tháng 03 Năm 2015 Khác với số đông phim độc lập Việt Nam lấy bối cảnh Hà Nội, kể những câu chuyện mà nhân vật chính là nữ giới ở thì bộ phim dài thứ hai của mình, Phan Đăng Di chọn Sài Gòn và những thanh niên trẻ tuổi làm nhân vật trung tâm.
Cha và con và... (Big Father, Small Father and Other Stories) giúp đạo diễn kiêm biên kịch Phan Đăng Di viết tiếp tiểu sử làm phim đầy ắp giải thưởng và cơ hội quốc tế của mình. Lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh, Việt Nam có đại diện được chọn vào hạng mục tranh giải cùng 18 bộ phim của các đạo diễn tên tuổi khác tại LHP Berlin lần thứ 65, một trong ba liên hoan phim quyền lực nhất của điện ảnh thế giới, cùng Cannes và Venice.
| Đạo diễn Phan Đăng Di và poster của "Cha và con và...". |
Mặc dù không có suất chiếu nào của Cha và con và... được xếp vào buổi tối trong khuôn khổ LHP nhưng khán giả và truyền thông quốc tế lần đầu tiên được nghe thấy “giọng nói Việt trên màn ảnh rộng của LHP Berlin” mang đến niềm tự hào cho cả êkíp và người làm điện ảnh Việt như chính đạo diễn đã chia sẻ.
Phan Đăng Di có quyền tự hào vì tất cả khi anh không hề ngủ quên sau thành công nhiều vất vả của phim dài đầu tay Bi, đừng sợ. Ngay khi bộ phim còn là đề tài bàn tán của công chúng với những cảnh quay táo bạo, Phan Đăng Di đã miệt mài viết kịch bản, huy động vốn, kết nối với nhà sản xuất để thực hiện bộ phim thứ hai.
Ý tưởng câu chuyện nảy sinh khi đạo diễn đọc được phóng sự về một đám thanh niên làm giấy tờ giả để thắt ống dẫn tinh lĩnh thưởng, đăng trên một tờ báo từ gần 20 năm trước. Nhưng đó chỉ là bối cảnh, còn các nhân vật phim dường như được sinh ra từ những nét tính cách khác nhau của vị đạo diễn khó nắm bắt này. Chuyện phim xoay quanh Vũ, cậu sinh viên nhiếp ảnh vừa có được chiếc máy ảnh phim đầu tiên từ mấy giạ lúa của người cha.
Vũ (Lê Công Hoàng) ở chung nhà với Thăng (Trương Thế Vinh), một bartender kiêm bán thuốc và dắt gái ở vũ trường trông rất đẹp mã. Thăng giới thiệu Vũ với Vân (Đỗ Thị Hải Yến), vũ nữ và cũng là bạn tình của mình. Giữa họ nảy sinh mối quan hệ tay ba kỳ lạ khi Vân quyến rũ Vũ, dạy chàng trai trẻ những bài học tính dục đầu tiên trong khi Vũ ngày càng bộc lộ tình cảm với Thăng. Vũ và Thăng còn có bạn là Tùng (Mai Quốc Việt) - ca sĩ đường phố có khả năng nhái giọng người nổi tiếng và cô em gái tên Mai (Thanh Tú) cùng Cường, người đầu tiên xin bà chủ nhà trọ (Kiều Trinh) thắt ống dẫn tinh để mua cho bạn gái một chiếc điện thoại...
Rồi tất cả phải dạt về vùng quê sông nước của Vũ, khi Tùng bị nhóm đầu gấu đòi nợ và từ đó, khiến bố Vũ là ông Sáu (Hà Phong) tìm mọi cách ép con trai lấy Hương (Thanh Trúc) để thực sự trở thành một người đàn ông...
| Đỗ Thị Hải Yến thể hiện khả năng vũ đạo trong phim. |
Câu chuyện là những dòng chảy muôn nẻo của tuổi trẻ dẫn về Sài Gòn và vì thế vô tình hay hữu ý, bối cảnh chính của phim đa phần diễn ra ở ven sông: nhà trọ của Vũ, con thuyền - căn nhà di động của bố Vũ ở quê, rừng ngập mặn đầy bùn và nước... Các nhân vật bị đạo diễn ném từ bối cảnh này sang bối cảnh khác và dù ở đâu họ cũng bơ vơ và hoang mang trong hành trình đi tìm bản ngã.
Âm thanh và hình ảnh của bộ phim đều tạo nên cảm giác về một chiều sâu khác phía trong cái rộn rã, xô bồ bề ngoài. Trừ vai ông Sáu được lồng giọng, các nhân vật khác đều có giọng nói và lối diễn xuất phù hợp với nhân vật của mình. Lần đầu tiên trên màn ảnh rộng, Đỗ Thị Hải Yến có cơ hội thể hiện khả năng nhảy múa và lối biểu hiện tưng tửng, tùy hứng duyên dáng gần với tính cách ngoài đời của chị thay vì một vẻ đẹp được tô điểm lên cho sang trọng hay làm quá sự khổ ải. Giọng nói vốn đớt của chị trở nên có lý với vai diễn và dù nhân vật vũ nữ của chị trượt dài vào những cám dỗ thì vẫn cho thấy nét thánh thiện hồn hậu rất mực đàn bà.
Phát hiện mới Lê Công Hoàng làm ra được chất ngây thơ trong sáng mà cũng đầy khao khát nhục cảm của cậu trai mới lớn. Trương Thế Vinh, cựu người mẫu ca sĩ vốn diễn xuất cứng nhắc lại trở nên khôi hài một cách đáng thương trong bộ phim này. Vẫn là những cảnh quay dài với góc quay đẹp nhưng các cảnh phim cho thấy cái đẹp trần trụi, gai góc, nhễ nhại và mãnh liệt của K’ Linh chứ không mang vẻ bảng lảng và bay bổng như những gì nhà quay phim Phạm Quang Minh thể hiện trong Bi, đừng sợ và Đập cánh giữa không trung.
Một ưu điểm tuyệt vời trong tác phẩm phim dài thứ hai của Phan Đăng Di chính là những cảnh quay có nhiều nhân vật đối thoại. Điểm yếu phổ biến của các bộ phim Việt Nam đã được Phan Đăng Di hóa giải bằng một cách nào đó mà tất cả những trường đoạn ông Sáu mang quà quê lên cho con, quán nhậu vỉa hè Sài Gòn, cảnh chơi đùa với con nít trên thuyền... đều sống động đến mức khiến người xem có cảm giác chính mình đang tham gia vào các hoạt động đó.
Với kinh nghiệm cá nhân từ những ca nhậu kéo dài và sự nhạy cảm đặc biệt với đối thoại, có thể thấy Phan Đăng Di đã thực sự thành công khi tạo nên một không khí đáng tin, nơi mọi nhân vật chính và phụ đều có đất thể hiện giọng điệu của mình.
| Lê Công Hoàng là một phát hiện mới của đạo diễn Phan Đăng Di trong quá trình tìm diễn viên chính cho "Cha và con và...". |
Nếu mối quan hệ tình cảm giữa các nhân vật mơ hồ về cảm xúc, bạo liệt trong hành động thì thực tế đời sống xung quanh nó lại khắc nghiệt và bi hài hơn rất nhiều. Đó chính là đất diễn của các diễn viên kỳ cựu như Kiều Trinh trong vai bà chủ nhà kiêm tổ trưởng dân phố chuyên vận động thắt ống dẫn tinh, Châu Thế Tâm với vai tên trùm đầu gấu biến thái... Tuyến nhân vật phụ nhưng rất đời này khiến Cha và con và… chạm dần đến ranh giới của một bộ phim truyện – tài liệu đậm chất châu Á, kìm nén và mơ hồ hóa ẩn ức tình dục để thúc đẩy nó bùng nổ và tạo cớ để mỗi con người hành động theo bản năng của mình.
Không kể chuyện với cấu trúc điện ảnh thông thường nhưng bộ phim vẫn đi sâu vào cá tính từng nhân vật để dựng nên một bức tranh đời sống hấp dẫn. Lối kể sống động và đôi khi tùy hứng thậm chí hơi bừa bãi khiến Cha và con và... thực sự sẽ kén khán giả. Bởi nếu ai có cảm tình và thấy “vào” với không khí bộ phim, sẽ dễ dàng theo suốt và thích thú nó để mà quên đi một số nhầm lẫn về rắc-co như tờ tiền polymer trao cho người biểu diễn xiếc môtô hay việc nhân vật cởi áo hay chưa cởi áo trong thuyền.
Phim có một thông điệp chính trị rất rõ ràng khi miêu tả quá trình “lưu manh hóa” bạo liệt của cuộc sống những năm 1990, nơi dòng chảy đô thị có thể xô đẩy những người rất trẻ, rất yêu đời vào một quá trình bất tận của tranh giành, chém giết, hưởng thụ trong ngắn hạn mà không nghĩ đến ngày mai. Bộ phim là “món ăn” ưa thích, hợp với khẩu vị của các vị giám tuyển LHP Berlin. Và sau tất cả, sức mạnh câu chuyện đã trở thành lý do lớn nhất để bộ phim có mặt tại một trong những sân chơi điện ảnh lớn nhất của thế giới.
Sources: Vnexpress |