Ngày Đăng: 11 Tháng 12 Năm 2005 Nhiều năm trước, nhìn Thương Tín trên phim, dễ hiểu tại sao có biết bao trái tim thổn thức vì vẻ đẹp góc cạnh, nét duyên ngầm và nam tính của anh. 20 năm sau, vẫn là Thương Tín nhưng không còn dấu vết của ngôi sao màn bạc năm xưa.
- Hình ảnh của anh trong phim "Cây Huê Xà" đã làm tổn thương nặng nề hình ảnh Sáu Tâm trong "Biệt động Sài Gòn". Thời gian đã khiến anh sa sút phong độ đến thế sao?
- Có thể bạn nhìn tôi ngày xưa đẹp quá, phong độ quá. Bây giờ, đối diện là một Thương Tín vừa già, vừa xấu nên bạn xót xa cho tôi chăng. Già, xấu, cô đơn làm tôi buồn thật nhưng không có nghị lực chấp nhận thì tự làm khổ mình thôi. Mỗi người một thời. Thời của tôi đã qua rồi, phải biết đối diện và chấp nhận sống với thực tế. Chứ không lẽ tôi phải bỏ nghề để giữ hình ảnh Sáu Tâm sao.
- Nhưng 20 năm mà anh thay đổi nhiều quá. Đó phải chăng là hậu quả của những năm tháng ăn chơi của một ngôi sao?
- Đúng là cuộc đời tôi mải chơi lắm. Cái gì tôi cũng chơi hết. Nếu không phải là người của công chúng chắc tôi đã khác. Có thể rất giàu, cũng có thể tôi suy sụp và đã chết. Nhưng phải biết dừng. Vì tôi không sống cho riêng mình mà còn khán giả yêu mến mình nữa. Tôi không thể làm tổn thương, làm mờ đi hình ảnh của Sáu Tâm, Tám Thương...
- Đóng gần 200 phim, từng là thần tượng của nhiều khán giả. Sao giờ anh lại sống lặng lẽ, tránh tiếp xúc với đám đông và buồn rầu vậy?
- Vì sự bạc bẽo của nghề. Những năm 80-90, tôi liên tục chạy sô, sáng đóng một phim, trưa đóng một phim, chiều lại đóng phim khác. Khi đạo diễn mời, tôi đang kẹt đóng phim nhưng họ vẫn chờ tôi bằng được. Nhiều đạo diễn ra mặt không ưa tôi mà vẫn mời. Điều an ủi nhất là tôi đã tạo được cái tên trong xã hội. Đi ra Bắc, ai cũng quý trọng, nhất là các cụ già, gặp tôi họ mừng, họ thương lắm, gắng mời về nhà ăn một bữa cơm.
Nhưng đến khi nhìn lại, tôi nhận ra cuộc đời mình chẳng còn gì. Gia đình tan nát từ năm 1985, tôi chỉ có mỗi đứa con trai, cho nó học viễn dương, học du lịch. Bây giờ cũng chỉ mở quán cà phê. Cuộc sống của tôi có đói nghèo đến mấy, nhưng ra đường có bao nhiêu cặp mắt dõi theo, nên không dám mặc áo rách, phải cố kiếm cái áo cho đàng hoàng. Nhiều khi buồn đi uống rượu, bị xỉn cũng cố về nhà chứ không dám đi lang thang để người ta nói diễn viên mà suốt ngày rượu bia, say xỉn.
- Vì sao người con trai duy nhất của anh không theo nghiệp bố?
- Con trai tôi hát cũng hay lắm. Nhưng tôi cảnh tỉnh ngay: "Con nhìn ba đi, là bài học đó con ạ. Con hát chơi thì được, đừng làm ca sĩ, đừng đi con đường nghệ thuật giống ba. Khổ lắm". Mặt mũi con trai tôi cũng sáng láng nhưng trong các phim tôi làm đạo diễn, tôi không cho nó tham gia. Vì tôi sợ đóng phim rồi nó đam mê, bập vào nghề này lại khổ như tôi. Cũng may là nó nghe lời tôi.
- Thực tế vẫn có nhiều diễn viên thời anh sống đầy đủ và yên ấm. Anh nghĩ sao?
- Thời đó và cả bây giờ, nghề tôi đam mê không nuôi nổi tôi. Thường đóng một bộ phim, tôi nhận 1 chỉ vàng nhưng lại tiêu hết 2-3 cây vàng. Một người bạn quá cố của tôi nói: "Người ta đóng phim mới có tiền, đằng này mình có tiền mới đóng phim được". Điều tôi tiếc nuối nhất là giá ngày đó mình đừng đam mê phim ảnh quá, bỏ chút thời gian để đầu tư vào đất đai, kinh doanh. Có lẽ đời tôi bây giờ đỡ khổ hơn.
- Đóng một bộ phim nhận 1 chỉ vàng mà anh tiêu hết 2-3 cây vàng. Anh lấy tiền ở đâu mà tiêu nhiều vậy?
- Đó chính là điều tôi ân hận nhất. Sở dĩ tôi đóng được nhiều phim vì sau khi ly dị xong đã có một phụ nữ rất giàu yêu tôi. Mỗi lần trong ví tôi hết tiền, cô ấy lại bỏ vào. Có lần cô ấy hỏi tôi thích gì, tôi nói chẳng thích gì cả. Nhưng chiếc xe hơi chạy qua, tôi nhìn theo. Hai hôm sau đã thấy chiếc xe đó nằm trong nhà mình. Nghệ sĩ sống cực khổ, còn tôi thì tiêu tiền như nước. Không bao giờ tôi bước vào quán mà thiếu tiền. Nghệ sĩ miền Bắc vào Nam đóng phim, thấy tôi đi xe hơi đắt tiền, họ nhìn như vật thể lạ vậy. Lúc đó tôi nghĩ, trời sinh ra người đàn bà này để giúp mình.
Cũng đã nhiều lần tôi từ chối cô ấy, nhưng cô ấy tình nguyện đến với tôi, không đòi hỏi điều gì cả. Nếu đóng phim mà có nhiều tiền thì tôi cần gì phải đụng đến tiền của cô ấy. Nhưng tôi lại có quá ít tiền.
- Điều gì làm anh ân hận trong mối quan hệ này?
- Tôi ân hận vì mình thẳng thắn quá. Thẳng thắn đến tàn nhẫn. Nhiều lần tôi nói với cô ấy "Em thôi anh đi. Anh thề với em là trong lòng anh không yêu em một chút nào. Sở dĩ anh còn dính dáng đến em vì em đối xử với anh tốt quá". Cô ấy chỉ nói một câu "Em không cần anh yêu em. Em yêu anh, thế là đủ". Chúng tôi chia tay nhau. Nhưng 2-3 ngày sau, cô ấy lại đón tôi ở chỗ diễn, muốn đi ăn một bữa cơm. Tôi thấy tội nghiệp, rồi yếu lòng và dùng dằng không bỏ được. Nhưng rồi năm 1986, chúng tôi cũng xa nhau.
- Thực chất nguyên nhân nào đã dẫn đến cuộc chia tay đó?
- Chuyện này tôi đã chôn chặt trong lòng nhưng hôm nay tôi thành thật luôn. Năm 1986, tôi đã rất nổi tiếng nhưng lại chẳng có nhiều tiền. Cô ấy nói: "Tiền mang lại cho anh chẳng bao nhiêu. Anh phải đi nước ngoài thôi. Anh nghĩ kỹ đi". Không hiểu sao tôi đồng ý vượt biên cùng cô ấy. Trong đoàn người vượt biên, chìa thẻ ra để người ta sắp xếp 3-4 người lên một cái thúng đưa ra tàu. Bất giác, tôi nhìn lên thấy đồn công an. Đêm hôm đó trời sáng trăng, nhìn rõ mồn một con tàu đang đậu ở đấy. Tôi sợ bị gài, mà tất cả của cải, đôla đã dồn vào áo của hai đứa con riêng của cô ấy. Tôi dặn cô ấy và bọn trẻ ra tàu trước, tôi ở lại xem xét tình hình thế nào còn xoay sở. Lúc đó ai cũng biết tôi nên tôi phải che mặt lại.
Cô ấy vừa leo lên tàu thì tự nhiên con tàu chạy thẳng ra biển, bỏ lại một nửa số người vượt biên đêm đó. Nhiều gia đình còn một nửa ở lại, họ la ó quá trời... Người chủ tàu nói những người kẹt lại sẽ tổ chức chuyến sau. Tôi không ngờ đó là một đêm định mệnh. Những người ở lại sống, còn những người đi chết hết. Trước đây, tôi không tin vào số mệnh, nhưng bây giờ suy ngẫm lại cuộc đời, tôi tin mỗi người có một số phận.
- Anh cảm thấy thế nào vì thoát chết?
- Tôi buồn lắm, buồn vô cùng. Tôi ân hận vì ngày đó đã đối xử tàn nhẫn với cô ấy. Tôi hiếu thắng, đa tình, chạy theo những cuộc tình với những cô gái trẻ. Cô ấy biết mà không dám lên tiếng vì sợ mất tôi. Đến khi cô ấy chết, tôi mới nhận ra mình yêu cô ấy. Bây giờ, mỗi lần nhìn ra biển, tự nhiên có cái gì đó nhói lên mà tôi không biết nói sao để diễn tả. Ân hận, day dứt đã ám ảnh tôi suốt 20 năm qua. Nếu tôi lên chuyến tàu đó thì cũng chết rồi, không phải khổ như bây giờ.
- Cha mẹ luôn là cái bến bình yên cho con cái. Khi đau khổ nhất mọi người thường tìm về "cái bến" của mình. Anh thì sao?
- Nhắc đến ba mẹ, tôi lại thấy mình có quá nhiều điều lỗi đạo. Thẳng thắn ra tôi là đứa con bất hiếu. Khi là ngôi sao, không bao giờ tôi về nhà được nửa ngày. Lâu lâu, tôi chạy xe hơi qua, thăm ba mẹ được 15-20 phút, cho tiền, cho quà, nghĩ thế là xong, rồi lại tất tả đi. Ba mẹ nhìn tôi ngơ ngác, buồn mà không nói ra. Đến khi lớn tuổi một chút, phim ảnh bắt đầu đi xuống, cái thời huy hoàng của tôi cũng chấm dứt.
Có thời gian ngồi ngẫm nghĩ, tôi thấy mình bất hiếu vô cùng. Ba mẹ đã lớn tuổi nên tôi quyết định bỏ hết cuộc chơi, về quê sống với ba mẹ một thời gian cho ra sống. Lúc đó, mẹ tôi cứ hỏi: "Con có chuyện gì buồn mà sao bỏ hết công việc?". Tôi về sống với ba mẹ được 2 năm rưỡi. Buồn, nhớ nghề, tôi quyết định quay lại Sài Gòn đóng phim, làm đạo diễn. Hai năm trước, xây được cho ba mẹ cái nhà khang trang để dưỡng già, tôi mừng lắm. Hàng xóm nói tôi đi làm nghệ thuật có tiền nhiều về xây nhà. Ba mẹ hãnh diện nhưng trong lòng tôi trĩu nặng.
- Theo anh, làm vợ một ngôi sao màn bạc là hạnh phúc hay bất hạnh?
- Một năm, tôi đi làm phim 10 tháng. Vợ ở nhà suốt ngày nghe "chồng mày đang cặp với cô á hậu này, đang ở với cô á hậu kia". Bao nhiêu tin đồn như vậy chắc chịu không nổi.
- Trong tin đồn đó có bao nhiêu phần trăm sự thật?
- Tất nhiên cũng có. Làm sao cản được. Đóng phim với một người nào đó, nảy sinh tình cảm, ở hoàn cảnh của tôi cũng là chuyện dễ hiểu.
- Anh chia tay với vợ vì không thể cưỡng lại hấp lực của ngoại tình hay vì nguyên nhân gì?
- Tôi và cô ấy bỏ nhau vì không có sự gắn kết, không có tình yêu. Chúng tôi đến với nhau trong hoàn cảnh nặng nề và cũng chia tay nhau trong hoàn cảnh nặng nề. Tôi còn nhớ rõ cảnh mấy người thẩm phán là phụ nữ, thấy mặt tôi ló vào, họ cười rồi hỏi: "Ông Thương Tín vào đây mấy lần rồi?". Tôi nói: "Vào một lần đã khổ thế này, mấy lần chắc tôi chết". Điều làm tôi thất vọng nhất là giữa toà cô ấy chấp nhận chia tay nếu tôi cho cô ấy một số tiền đảm bảo cuộc sống. Tôi nổi điên hỏi cô ấy cần bao nhiêu. Cô ấy đưa ra một số tiền quá lớn. Tôi ngỡ ngàng nhưng nghĩ số tiền đó mua được tự do còn rẻ lắm nên chấp nhận ký. Ký xong mới biết sức đâu mà trả. Tôi phải đưa dần số tiền đó trong 4 lần. Mỗi lần trả tiền phải đem lên toà rồi toà gọi cô ấy lên nhận. Nhục nhã nhất là tháng nào chưa kịp trả lại có điện về cơ quan đòi ông Thương Tín lên thi hành án.
- Con anh sống thế nào trong cảnh bố mẹ chia tay?
- Lúc đó con tôi còn bé quá, tòa xử cho nó ở với tôi. Nhưng tôi đi đóng phim nhiều, sợ con học không được nên gửi thằng bé về cho nội. Đến khi lớn một chút, tôi đưa con vào sống chung. Hiện tại, mẹ nó muốn đưa nó sang Mỹ. Thằng bé nói với tôi: "Sợ con đi, ba ở đây một mình buồn". Nhưng tôi nói: "Rồi con cũng có vợ, còn phải lo cho vợ, chứ đâu phải sống với ba". Chuyện đi hay ở, con tôi đủ chín chắn để quyết định.
- Sao anh không nghĩ đến một cuộc hôn nhân tiếp theo?
- Thật ra, tôi cũng có yêu một người, chúng tôi sống với nhau 10 năm. Lần đầu tiên tôi thấy một người phụ nữ không muốn có con, mà tôi thì khát khao có một đứa con gái. Cô ấy là ca sĩ, sợ có con phải nghỉ hát nên một năm đã giấu tôi đi phá thai nhiều lần. Cái cảnh người mạnh đi hát, người mạnh đi đóng phim, tối về gặp nhau, không có tiếng khóc, tiếng cười của trẻ con, duy trì được 10 năm là quá sức. Tôi quyết định chia tay. Dù ở với nhau không hôn thú nhưng nặng nghĩa vợ chồng nên toàn bộ tài sản chia đôi. Từ tài sản đó, đầu tư vào kinh doanh, bây giờ cô ấy giàu lắm và vẫn chưa lấy chồng. Cô ấy nói không gặp được người đàn ông nào hơn tôi. Nếu tài sản của tôi bằng cô ấy, tôi sẽ trở lại. Nhưng tôi nghèo, không thể để lòng tự ái bị tổn thương thêm nữa.
- Chung quy lại, anh sướng vì phụ nữ, khổ vì phụ nữ và cũng làm nhiều phụ nữ khổ đau. Sau cái vòng luẩn quẩn đó, còn lại người phụ nữ nào cho anh?
- Chẳng còn người nào cả. Nếu tìm một người ở với mình một đêm, một tháng, rất đơn giản. Nhưng tìm một người phụ nữ ở bên để hiểu mình, chia sẻ với mình quả là rất khó.
- Anh có thấy cuộc đời bạc bẽo với người tài hoa?
- Nếu số phận bắt tôi như thế thì đành phải chịu. Nhưng tôi hy vọng mình không sống tệ với ai thì sẽ có người hiểu mình, yêu thương mình, dù người đó tôi chưa thấy. Có thể là cuối đời. Nhưng tôi vẫn hy vọng...
(Theo Đẹp)
Sources: Vnexpress |