Ngày Đăng: 21 Tháng 01 Năm 2014 Kịch đầu tay của nữ đạo diễn điện ảnh hội tụ nhiều yếu tố "vàng": êkíp chuyên nghiệp, diễn viên tên tuổi và trên hết là tình yêu của cả đoàn dành cho vở diễn.
Từ sau phim nhựa Mê Thảo thời vang bóng (2002), Việt Linh chưa bắt tay vào sản phẩm điện ảnh nào. Mới đây, thông tin chị thực hiện vở Thiên Thiên khiến không ít người bất ngờ. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, bên cạnh nụ cười háo hức khi kể về công việc mới, thỉnh thoảng, Việt Linh nghẹn lời đọc vài đoạn thoại trong kịch bản, hoặc nhắc đến tình cảm yêu thương của các thành viên đoàn kịch dành cho nhau và cho vở diễn.
| Đạo diễn Phạm Hoàng Nam và Việt Linh (phải) cùng "chống lưng nhau" để gắng sức dàn dựng Thiên Thiên như cuộc chơi nghệ thuật đầu năm 2014. |
- Vì lý do gì chị đến với sân khấu sau một thời gian dài ngừng làm phim?
- Với điện ảnh, ngoài lý do sức khỏe, tôi chưa thật sự tìm ra cảm hứng, động lực để bắt tay vào việc. Còn sân khấu, mạch nguồn cảm hứng đến với tôi rất tình cờ. Mọi thứ như cái duyên được sắp xếp sẵn để mình cứ thế lao vào (cười). Kịch bản Thiên Thiên tôi thực hiện cách đây khá lâu theo đặt hàng của đạo diễn Minh Nguyệt, lấy tứ từ hai truyện ngắn của Vũ Hồi Nguyên và Tăng Song Nam. Nhưng khi viết ra, tôi đi chệch sang hướng khác hoàn toàn với ý tưởng ban đầu của chị Nguyệt, nên đã giữ lại cho mình.
Dù rất thích thú, tự tin, tôi cũng phân vân khi thấy "đứa con" sân khấu của mình hơi lạ lẫm. Để thăm dò ý kiến, tôi có đưa vài bạn trong nghề đọc. Phản ứng ban đầu của họ là cũng... phân vân dù họ đều công nhận nó có sức hút. Tôi mạo muội nhờ nhà văn Hồ Anh Thái giới thiệu kịch bản cho chuyên gia sân khấu là tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái. Tôi chưa có dịp quen chị Thái và nghĩ, nếu chị chê kịch bản này thì tôi đành bỏ cuộc. Thật bất ngờ và vui mừng khi chỉ vài ngày sau, chị Thái viết mail cho tôi chia sẻ, chị rất thích kịch bản, sẵn sàng hỗ trợ êkíp khi cần thiết. Đó là cái duyên đầu tiên dự án nhận được.
- Chị gặp những khó khăn, thuận lợi gì khi thực hiện dự án này?
- Có vô số khó khăn khi bắt tay dựng một vở diễn sân khấu trong bối cảnh hiện tại. Nhưng như tôi đã nói, những cái duyên liên tục đến với mình nên chuyện gì rốt cuộc cũng có hướng giải quyết, cũng xuôi chèo mát mái.
Đầu tiên là chúng tôi có được ba đêm diễn thuận lợi (14-16/2) ở Nhà hát TP HCM trong lúc lịch nhà hát luôn đầy kín. Chuyện tìm diễn viên ban đầu khá vất vả, nhưng rốt cuộc, chúng tôi có được trong tay dàn diễn viên đáng mơ ước như: Minh Trang, Thanh Thủy, Hồng Ánh, Cát Tường, Vân Trang, Lê Bình, Khánh Hoàng, Mai Huỳnh, Quốc Thảo, Quý Bình... Trong đó, nam diễn viên Quốc Thảo, người vắng bóng rất lâu trên sân khấu trong nước vừa trở lại Việt Nam hoạt động, cũng nhận một vai lý thú trong vở diễn. Mọi người đang đồng lòng bắt tay nhau để thực hiện dự án một cách tốt nhất. Tôi cảm ơn họ đã cộng tác nhiệt tình với khung thù lao khiêm tốn. Anh chị em đều xem đây là một cuộc chơi rất đẹp, rất vui với chung một tâm huyết: tạo nên sự phong phú trong đời sống văn nghệ.
Ngay trong ngày họp báo, các diễn viên có mặt đều chia sẻ cảm nhận ban đầu khi đọc kịch bản là... hoang mang, chưa hiểu mình sẽ vào vai như thế nào. Nhưng khi đọc kỹ, họ càng thấy thích, thấy thấm và yêu các nhân vật.
| Từ trái qua: diễn viên Hồng Ánh, đạo diễn Phạm Hoàng Nam, nhà thiết kế Li Lam và đạo diễn Việt Linh. |
- Vi sao chị mời Phạm Hoàng Nam làm đồng đạo diễn?
- Ban đầu, Phạm Hoàng Nam chỉ hứa sẵn sàng sát cánh với tôi trong vai trò giám đốc mỹ thuật và ánh sáng. Nhưng sau khi đọc kịch bản và bị tôi thuyết phục, Nam đồng ý "chống lưng nhau". Tôi cần Nam cùng dàn dựng vở diễn với mình một phần nhỏ vì lý do sức khỏe của tôi có thể không đảm đương hết khối lượng lớn công việc. Nhưng lý do chiếm phần lớn hơn chính là tôi biết rõ Nam có khả năng và chiều sâu khai thác nội dung chứ không chỉ dừng lại ở khâu thiết kế âm thanh, ánh sáng. Bản thân tôi cũng thấy mình có tố chất sắp đặt, dàn dựng sân khấu. Cả hai chúng tôi đều chưa có cơ hội phát huy triệt để sở trường nên nhân dịp này, hai chị em thử nắm tay nhau bung thỏa (cười).
- Sân khấu TP HCM hiện nay mạnh ở kịch sinh hoạt, giải trí, chị và Phạm Hoàng Nam dàn dựng vở diễn theo hướng nào?
- Tôi không đặt cho vở Thiên Thiên con đường nó phải đi, khu vực nó cư trú. Bởi vở diễn này cũng gần gũi như là cuộc sống vậy, tức là nó bao gồm cả yếu tố sinh hoạt, giải trí. Có điều chúng tôi muốn thực hiện vở diễn trong một điều kiện nâng niu nhất. Lâu lắm rồi, nếu tôi nhớ không nhầm, từ sau Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử của Thành Lộc, hầu như không có kịch tư nhân nào trong Nam có sáng tác nhạc, thiết kế trang phục riêng. Kinh phí là một lý do, quan niệm là lý do khác. Chúng tôi dàn dựng Thiên Thiên như là tổng hòa các mảnh ghép khác nhau của cuộc sống để kể về một câu chuyện rất đời với nhiều cảm xúc, mà ở đó, mỗi nhân vật đại diện cho lát cắt khác nhau của xã hội... Hình ảnh biểu tượng của vở diễn là hạc giấy - những giấc mơ trong cuộc sống. Trang phục của Thiên Thiên do nhà thiết kế Li Lam phụ trách, Nguyễn Công Phương Nam sáng tác âm nhạc.
- Với lời đề từ gây cảm giác mang nặng tính triết lý: "Thiên Thiên không kể một câu chuyện, mà để lại một cảm xúc", chị và Phạm Hoàng Nam muốn nhắm đến đối tượng khán giả nào?
- Ồ, không có triết lý cao siêu gì đâu. Đối tượng đầu tiên của vở diễn chính là... chúng tôi - những người tạo dựng nên vở kịch. Chúng tôi phải thấm, phải yêu, phải chia sẻ nó thì mới mang tới xúc cảm cho khán giả. Tôi nói vui, mà thật, tôi tin tác phẩm này phù hợp với mọi người, từ 15 đến 90 tuổi. Dưới 15, các em cũng hiểu nhưng sẽ băn khoăn về thế giới người lớn. Còn trên 90 tuổi thì dễ căng thẳng (cười).
- Chị mong chờ điều gì nhất vào tác phẩm sân khấu đầu tay?
- Tài lực cá nhân rất hạn chế nhưng tôi không đặt cho vở diễn áp lực kinh doanh. Nếu thu hồi được vốn là thỏa mộng rồi. Đặt nhu cầu sáng tạo lên trên hết nên tôi tự lo kinh phí chứ không huy động đầu tư, dù điều ấy khá dễ dàng. Rất hay là cả êkíp đều chia sẻ tinh thần "vị nghệ thuật" này. Điều chúng tôi mong mỏi là được khán giả đồng cảm với lao động của mình. Còn chuyện tương lai còn phải tùy thuộc vào phản ứng của khán giả với Thiên Thiên.
| Hồng Ánh và nhiều diễn viên trong vở "Thiên Thiên" đều vượt qua cảm giác hoang mang ban đầu để nhập tâm trọn vẹn vào từng vai diễn. |
- Chồng và con gái chị đang ở Pháp, họ ủng hộ chị ra sao?
- Tôi dự tính về Việt Nam lần này chỉ là để ra mắt Tủ sách điện ảnh ở Đại học Hoa Sen. Nhưng do nhiều cơ hội cùng đến nên tôi quyết định lưu lại để dựng kịch. Dự án Thiên Thiên khởi động khiến người thân của tôi bất ngờ nhưng ủng hộ. Điều họ lo lắng nhất, quan tâm dặn dò liên tục là sức khỏe của tôi.
Ban đầu, do tiếc tiền vé máy bay tôi ngăn cản họ về xem công diễn. Nhưng con gái mới viết thư cho biết hai cha con đã quyết định về. Sinh ra ở Tây nhưng con gái tôi vẫn cố gắng viết bằng tiếng Việt. Cháu bảo, vấn đề không phải là sản phẩm sân khấu đầu tiên của mẹ thành công hay không, mà gia đình PHẢI có mặt bên nhau trong những giờ phút cần sự chia sẻ. Cháu viết hoa chữ "phải". Tôi đã khóc nhiều khi đọc thư con, vì cảm động, xấu hổ, thấy mình người lớn mà sao nông cạn hơn con khi đối diện đồng tiền...
Thoại Hà thực hiện
Ảnh: Cao Trung Hiếu
Sources: Vnexpress |