Ngày Đăng: 14 Tháng 06 Năm 2024 Diễm My 9x cho rằng nếu vợ chồng cô có con trai thì sẽ định hướng con làm công việc ổn định về kinh tế và chủ động thời gian, còn con gái có thể thoải mái lựa chọn ước mơ.
Nửa năm sau đám cưới, Diễm My 9X dành cho Ngôi Sao cuộc trò chuyện về cuộc sống vợ chồng son, những bài học mới trong vai trò làm dâu, làm vợ và mong ước chào đón con đầu lòng.
- Gắn bó diễn xuất từ lúc 5 tuổi đến bây giờ khi gần 35, chị nghĩ sao về việc cho các con sau này sớm tiếp xúc nghệ thuật?
- Vợ chồng tôi cũng mới nói với nhau chuyện này. Ông xã nói với tôi: "Nếu em sinh con gái, con muốn làm nghề gì cũng được, thi hoa hậu hay làm người mẫu, diễn viên đều được hết. Nhưng nếu em sinh con trai, em đừng cho nó làm diễn viên. Con trai làm diễn viên không kiếm được nhiều tiền, sau này không lo được cho vợ con. Em phải cho con theo anh, học làm kinh doanh" (cười).
Tôi nghĩ định hướng của cha mẹ rất quan trọng với sự phát triển của con cái. Quan điểm của chồng tôi cũng có phần đúng. Đàn ông làm diễn viên thực sự nhiều lúc bấp bênh, khó lo được cho gia đình ổn định và vững chãi. Phải được Tổ đãi và đủ đam mê, kiên trì lắm, họ mới tồn tại được trong nghề.
Hơn nữa, làm diễn viên nhiều khi ảnh hưởng tới những người xung quanh, cứ nhìn tôi là thấy. Bao nhiêu năm tôi đóng phim, người thiệt thòi nhất là mẹ. Tôi đi suốt, ít khi có mặt ở nhà, ăn cơm, chuyện trò cùng mẹ. Làm người thân diễn viên đôi khi phải hy sinh nhiều lắm, thương cả diễn viên và người nhà của họ.
Sau này nếu có con trai, tôi sẽ định hướng cho con làm công việc khác ổn định hơn về kinh tế và chủ động hơn về thời gian. Chẳng hạn làm kinh doanh, con có thể bận nhưng vẫn có khoảng thở, có thời gian cho bản thân và trở về nhà. Nếu có con gái, tôi cho con thoải mái lựa chọn ước mơ. Tôi luôn tâm niệm đàn ông nên là trụ cột gia đình.
- Nhưng thực tế, bản thân chị từng nhiều năm một mình lo cho mẹ. Quá khứ này ảnh hưởng thế nào đến quan điểm của chị về về trụ cột gia đình?
- Nam nữ bình đẳng là chuyện cần có của xã hội nhưng theo tư duy cả ngàn năm nay của người châu Á, phụ nữ ngoài kiếm tiền còn là người chăm lo chính cho gia đình. Căn bếp cần có bàn tay phụ nữ vun vén. Dù bận mấy, một người phụ nữ cũng nên mỗi tháng vào bếp nấu ăn cho gia đình hai, ba bữa.
Người ta hay bàn đến chuyện phụ nữ cân bằng sự nghiệp và gia đình, nhưng tôi nghĩ không ai cân bằng được đâu, chỉ là tùy giai đoạn, họ ưu tiên thứ nào hơn thôi. Phụ nữ đã có gia đình mà vẫn phải bươn chải lo kinh tế chính là thương lắm. Dù cuộc đời đưa đẩy người phụ nữ phải làm trụ cột gia đình đi chăng nữa, cũng đến lúc họ tìm được bờ vai vững chãi để dựa vào. Hứng chịu phong ba bão táp cuộc đời suốt thì tội cho người phụ nữ quá.
- Vậy giai đoạn này, chị ưu tiên điều gì hơn?
- Tôi đã có 10 năm ưu tiên công việc. Nghĩ lại những lúc để mẹ một mình, tôi ân hận vô cùng. Giờ có chồng, tôi không muốn để chồng có cảm giác cô độc. Mới kết hôn, tôi không thể bỏ lại gia đình để mải mê phim ảnh ngay được. Thời gian này, tôi muốn toàn tâm toàn ý lo cho tổ ấm nhỏ.
Nhưng tôi cũng không muốn đánh mất bản thân. Tôi muốn làm phong phú vốn sống, thử sức nhiều lĩnh vực khác, giao lưu với những người bạn mới ngoài ngành giải trí. Sau ngày cưới, tôi đồng hành ông xã kinh doanh nhà hàng. Tôi đang học thêm về kế toán, kiểm toán, báo cáo tài chính, lưu chuyển tiền tệ... Những kiến thức ngày xưa học ở trường Ngoại thương giờ được lấy ra ôn lại.
Khi mọi thứ ổn định, tôi sẽ trở lại đóng phim. Diễn xuất đã là đam mê trong máu rồi, tôi muốn bỏ cũng không bỏ được.
- Như chị nói, căn bếp gia đình cần bàn tay người phụ nữ. Chị đã chăm chút căn bếp ra sao để giữ lửa ấm cho hôn nhân?
- Tôi cũng đang tập tành nấu ăn. Đôi khi tôi làm mấy món ruột, được cả nhà khen. Nhưng có lúc chồng tôi cũng phải "ngậm đắng nuốt cay" vì vợ nấu mặn quá hay nhạt quá (cười). Có thời gian, tôi đều cố gắng vào bếp nấu những món chồng thích để giữ lửa gia đình. Bởi người ta nói đàn ông yêu bằng bao tử.
Tình yêu là phải có điều kiện, cũng như cái cây cần bón phân, tưới nước. Để mặc cây phơi nắng phơi sương, cây sẽ chết. Muốn gia đình hạnh phúc, vợ chồng bên nhau dài lâu, cả hai phải kề vai sát cánh, cùng nhau vun đắp. Cách của tôi là cải thiện khả năng bếp núc, chăm chút từng góc nhỏ trong căn nhà. Tôi cũng phải có hiểu biết về công việc của chồng để có thể chia sẻ cùng anh ấy.
Tôi sinh ra trong gia đình không hạnh phúc. Tôi hiểu những tổn thương hạn chế sự phát triển tâm lý của một con người như thế nào và cần nhiều nỗ lực chữa lành ra sao. Tôi và chồng luôn tâm niệm phải tạo lập cho con cái môi trường đầy tình yêu thương. Ở đó, cha mẹ yêu thương nhau và yêu thương con cái, con cái hiếu thảo và cũng thương yêu cha mẹ. Môi trường sống lành mạnh, văn minh hay hơn những cuộc cãi vã.
- Nửa năm đầu tiên hôn nhân, chị học hỏi những điều gì mới để vun vén cho tổ ấm?
- Tôi cảm thấy mình thật may mắn vì gặp được chồng và gia đình chồng. Sống trong gia đình anh ấy, tôi cảm thấy được trân trọng, yêu thương.
Ngày xưa, ba mẹ tôi luôn nói chuyện với nhau rất thẳng thắn, đôi khi thể hiện những điều tiêu cực với nhau. Gia đình chồng tôi thì khác, mọi người luôn cân nhắc, chọn lọc mỗi lời nói ra. Muốn trình bày với ba mẹ chuyện gì, chúng tôi phải suy nghĩ thật kỹ, thậm chí phải viết trước ra giấy. Tôi nói chuyện với chồng cũng vậy, phải suy nghĩ cặn kẽ mới mở lời.
Ban đầu, tôi thấy lạ. Tại sao người trong nhà phải đắn đo nhiều khi nói chuyện với nhau như vậy? Làm vậy mệt mỏi quá. Nhưng sau một thời gian, tôi nhận ra suy nghĩ kỹ trước khi lên tiếng rất quan trọng, bởi lời nói có tính sát thương cao. Khi bộc lộ quá nhiều cảm xúc trong cơn nóng vội, chưa chắc chúng ta đạt được mục đích của bản thân, mà chỉ làm tổn thương người khác.
Đó là điều lớn nhất tôi học được sau khi về nhà chồng. Từng ngày, tôi thay đổi để mình có được khả năng nói chuyện thuyết phục hơn nhưng đủ dịu dàng, nhẹ nhàng.
- Nhưng "đong đếm" câu chữ nhiều quá trước khi nói rất áp lực. Chị nghĩ sao?
- Ba mẹ chồng tôi rất giỏi trong việc thương thuyết, chỉ dạy con. Ba mẹ luôn chia sẻ và dẫn dắt tôi, chứ không trách móc. Giữa vợ chồng tôi cũng vậy, có chuyện gì cũng đóng cửa bảo nhau, ông xã kiên nhẫn giải thích cho tôi hiểu. Tôi nghĩ đó là cách ứng xử văn minh trong đời sống gia đình, không phải áp lực.
Gần đây, nghe podcast của thầy Minh Niệm, tôi càng thấy đây là điều nên làm. Thầy nói khi tiếp xúc với con cái, cha mẹ phải thể hiện mình ổn, tích cực. Bất kể lúc nào cảm thấy bản thân mang năng lượng xấu, người làm cha, làm mẹ nên tách khỏi con, tự phục hồi, từ con cọp trở về con mèo rồi mới đến gần con. Bản thân tôi hiểu nhất chuyện này. Chỉ cần cha mẹ nói câu nào đó gây tổn thương, đứa con sẽ đóng cửa trái tim, không muốn giao tiếp nữa, tạo nên khoảng cách giữa hai thế hệ.
- Chị nghĩ sao về danh xưng "phu nhân hào môn" dành cho mình?
- Tôi không nhận đâu, cụm từ này xa xỉ quá, không hợp với tôi. Tôi sống rất đơn giản và gia đình chồng tôi cũng rất khiêm nhường. Chúng tôi đều là những người hàng ngày đi làm, "cày cuốc" kiếm tiền để có cuộc sống tốt hơn, lo cho con cháu. Bản thân tôi cũng luôn phải cố gắng phát triển bản thân, tìm cách khác để có thu nhập tự lập vào những lúc không đóng phim.
Tôi cho rằng dù lấy chồng có điều kiện kinh tế, phụ nữ cũng cần tự lập. Mình sống phụ thuộc người khác, mình khổ và người ta cũng khó xử. Mỗi người chỉ thực sự hạnh phúc khi biết lo cho cuộc sống riêng.
- Trong cuộc trò chuyện, chị nhắc khá nhiều đến chuyện con cái sau này. Vợ chồng chị đã có kế hoạch gì cho thế giới hai người trở thành thế giới ba, bốn người?
- Vợ chồng tôi đang rất mong có con. Chúng tôi đã sẵn sàng tâm lý, lúc nào trời cho thì nhận. Chờ có tin vui, tôi sẽ báo với mọi người.
Sources: ngoisao |