Ngày Đăng: 04 Tháng 08 Năm 2022 Suốt hai năm, phi công Diệu Thúy gửi hồ sơ đến nhiều hãng bay trên thế giới nhưng ít được phản hồi do thiếu kinh nghiệm.
- Là cơ phó hãng hàng không Việt Nam, một ngày của chị diễn ra thế nào?
- Bên cạnh công việc, tôi hiện học thêm một số chương trình về kinh tế nên sắp xếp lịch học và lịch bay xen kẽ. Hôm nào có chuyến bay, tôi ngủ sớm từ tối hôm trước để hôm sau có mặt trước giờ khởi hành khoảng hai tiếng.
Đi bay về, tôi tranh thủ nghỉ ngơi và ăn nhẹ rồi tùy vào lịch buổi tối sẽ đi học, chạy bộ hoặc tận hưởng không gian riêng tư bên ông xã. Những ngày không bay, tôi ở nhà đọc sách, nghiên cứu kiến thức mới hoặc làm báo cáo môn học.
Giai đoạn này, tôi chủ yếu học và làm nên ít thời gian dành cho gia đình nhưng may mắn có bố mẹ đẻ ở bên hỗ trợ.
Cơ phó Diệu Thúy trong buồng lái.
- Chị chịu áp lực gì khi làm công việc vốn được cho là khó khăn, nhất là với phụ nữ?
- Đúng là nghề phi công rất căng thẳng, thời gian làm việc kéo dài, đòi hỏi sự tập trung cao độ. Tuy nhiên qua nhiều năm rèn luyện, tôi và các đồng nghiệp quen với áp lực, luôn ý thức tự trau dồi để nâng cao trình độ bản thân.
Tôi cho rằng mọi người đều đối mặt những khó khăn như nhau khi chọn công việc này. Có chăng phụ nữ sẽ gặp thêm một số rào cản về sức khỏe, thể lực và tâm sinh lý. Tôi thường bị đau bụng, mệt mỏi mỗi kỳ kinh nguyệt và phải làm quen với việc cơn đau gia tăng khi máy bay lên - xuống liên tục. Nữ phi công cũng khó giữ gìn nhan sắc vì ngồi nhiều giờ trong buồng lái có ánh nắng chiếu trực tiếp. Lịch bay liên tục vào sáng sớm, đêm khuya cũng khiến tóc họ bạc, mắt thâm quần và da lấm tấm đồi mồi...
- Chị từng trải qua giai đoạn thử thách khi cùng lúc đối mặt nhiều biến cố. Lúc đó, chị làm gì để giữ tinh thần ổn định mỗi lần đi bay?
- Tính chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp không chỉ thể hiện ở việc đúng giờ, tác phong chuẩn chỉnh, kiến thức tốt mà còn là khả năng kìm chế cảm xúc. Khi nhận lịch bay, khoác lên mình bộ đồng phục để ra phi trường làm nhiệm vụ, tôi phải gác lại toàn bộ vấn đề cá nhân.
Giai đoạn dịch bệnh, các đồng nghiệp của tôi cũng trải qua không ít sóng gió như đổ vỡ gia đình, khó khăn kinh tế và ảnh hưởng sức khỏe. Nhưng họ luôn giữ được sự tỉnh táo và tập trung tuyệt đối khi làm việc. Không ai biết được đằng sau cánh cửa buồng lái, mỗi phi công phải đối mặt điều gì.
- Trở lại cột mốc 6 năm trước, điều gì khiến chị từ bỏ con đường nghệ thuật để theo đuổi ước mơ chinh phục bầu trời?
- Tôi không xác định theo đuổi diễn xuất mà chỉ coi đó là công việc làm thêm thời sinh viên. Ra trường, tôi về một công ty sản xuất ở Bình Dương làm công việc kỹ sư an toàn đúng chuyên ngành. Sau đó, vì muốn du lịch vòng quanh thế giới nên tôi rẽ hướng thành tiếp viên hàng không.
Ngày đầu đi bay, tôi được vào buồng lái xem các phi công điều khiển máy bay cất cánh và hạ cánh. Chính khoảnh khắc đó khiến tôi có suy nghĩ: "Mình rất thích công việc này" và ấp ủ ước mơ học nghề phi công.
Sau gần ba năm làm tiếp viên hàng không cho một hãng của Dubai để tích lũy kinh nghiệm và tiền bạc, tôi nghỉ việc, bắt tay thực hiện chương trình đào tạo phi công.
Bố mẹ đẻ của Diệu Thúy trên chuyến bay do con gái điều khiển.
- Hành trình một người đẹp học lái máy bay diễn ra thế nào?
- Rất nhiều vấn đề tôi phải đối mặt khi "hiện thực hóa" giấc mơ phi công. Tôi loay hoay một thời gian vì chưa biết bắt đầu từ đâu, chỉ tự học tiếng và đọc sách tham khảo. Cũng có lúc tôi mua cả tài liệu đại số và hình học về ôn tập vì nghĩ rằng đề thi sẽ yêu cầu kiến thức môn toán. Nhưng mọi thứ rất mơ hồ, tôi cũng tự hỏi liệu mình có thực sự phù hợp nghề này không?
Một người thầy trong ngành hàng không khuyên tôi bắt đầu với khóa học lý thuyết giá 200 triệu đồng. Ông nói nghề này rất khó nên nhiều người đã bỏ cuộc. Nhưng tôi tự tin và học rất nỗ lực. Sau nửa năm học ở Việt Nam, tôi đăng ký thêm chương trình 18 tháng ở nước ngoài.
Phần lý thuyết suôn sẻ, tôi chuẩn bị hồ sơ xin việc vào hãng để được tiếp tục huấn luyện bằng máy bay phản lực (máy bay chở khách) thì khó khăn bắt đầu.
Trong hai năm, tôi rải hàng chục CV đến các công ty trên khắp thế giới nhưng hầu hết bị từ chối. Họ yêu cầu phi công có kinh nghiệm, đặc biệt là đạt 1.500 giờ bay. Có 6 hãng phản hồi, tôi nhận lời phỏng vấn 5 và chỉ đậu ba bên.
Trong số ba hãng này, có một hãng nổi tiếng của châu Á nhưng chỉ nhận tôi vào danh sách chờ "second officer" (cơ phó thứ hai hay thực tập sinh). May mắn sau đó, tôi tìm thấy cơ hội việc làm ở một hãng hàng không tư nhân Việt Nam.
Hãng có chính sách đào tạo miễn phí cho các phi công ký hợp đồng dài hạn nhưng tôi muốn linh hoạt nên tự chi trả. Tính đến lúc hoàn thành, tôi tốn gần 6 tỷ đồng. Gia đình không khá giả nên bố mẹ giúp tôi 420 triệu đồng, còn lại do tôi tự chuẩn bị và vay thêm 1,3 tỷ đồng.
Trở thành phi công là bước vào con đường học tập lâu dài. Chúng tôi liên tục có những buổi kiểm tra trình độ và hình thành thói quen tự cập nhật kiến thức. Đổi lại, mức lương của phi công rất hấp dẫn. Tôi đã trả xong nợ và dự kiến khoảng 5-7 năm có thể thu hồi vốn.
- Chị nhớ nhất điều gì trong lần đầu trực tiếp cầm lái?
- Những hành khách đầu tiên của tôi là các bạn học cùng trường bay. Sau khi hoàn thành khóa phi công cơ bản (đã là phi công thương mại), tôi lái chiếc máy bay cánh quạt chở bạn ra một hòn đảo có đường băng rất đẹp. Cảm giác lúc ấy là tự hào và sung sướng chứ không hề hồi hộp.
Khi vào hãng hàng không và chuyển lái máy bay dân dụng với 200 khách, tôi không tránh khỏi lo lắng. Nhưng nhờ các thầy giáo kỳ cựu huấn luyện và truyền động lực, tôi dần yên tâm và thấy tự tin hơn.
Diệu Thúy tận hưởng cuộc sống thường nhật.
- Ước mơ đã thành hiện thực, giờ chị mong mỏi thêm điều gì?
- Giấc mơ của phi công chỉ thành hiện thực khi ngày về hưu, họ được mỉm cười hạnh phúc vì đã có một sự nghiệp bay an toàn. Tôi vẫn đang thực hiện giấc mơ đó mỗi ngày.
- Từ khi chuyển hướng làm phi công, chị không còn đóng phim nhưng vẫn được khán giả quan tâm trong vai trò một diễn viên, chị cảm thấy sao?
- Tôi hay nói mình là "cựu diễn viên" vì đã lâu không đóng phim mà thời hoạt động nghệ thuật cũng là "tay ngang". Nhắc lại giai đoạn đó, tôi trân trọng vì được trải nghiệm nhiều điều thú vị nhưng khi chọn khép lại thì không tiếc nuối.
Bây giờ, tôi an phận với công việc phi công và muốn giữ sự riêng tư cho bản thân cũng như gia đình. Thỉnh thoảng, tôi vẫn nhận được lời mời quảng cáo nhưng rất chọn lọc dù cát-xê cao gấp 20 lần ngày xưa.
Sources: ngoisao |