Ngày Đăng: 11 Tháng 11 Năm 2020 “Vệ sĩ Sài Gòn” (2016) không phải là tác phẩm xuất sắc của điện ảnh Việt Nam. Việc Hollywood mua quyền remake bộ phim gây bất ngờ với số đông công chúng.
Ngày 10/11, báo chí Mỹ đồng loạt đưa tin hãng Universal Pictures sẽ sản xuất phiên bản làm lại của Vệ sĩ Sài Gòn (2016). Phim dự kiến có sự góp mặt của hai ngôi sao Chris Pratt và Ngô Kinh.
Theo nguồn tin của Deadline, kịch bản tác phẩm làm lại do Alex Gregory và Peter Huyck (Veep) chấp bút. Dự án do Chris Pratt (thông qua công ty Indivisible Productions) và anh em Joe, Anthony Russo (đồng tác giả Avengers: Endgame) cùng giữ vai trò nhà sản xuất.
| Chris Pratt, Ngô Kinh tham gia phim làm lại từ Vệ sĩ Sài Gòn. Ảnh: Deadline. |
Từng thu 39 tỷ đồng khi chiếu rạp
Vệ sĩ Sài Gòn do đạo diễn Ken Ochiai thực hiện từ kịch bản do Michael Thái chấp bút. Phim do Rhombus Media - công ty có trụ sở tại Canada - và TNA Entertainment tại Việt Nam hợp tác sản xuất. Cuối 2016, CJ Entertainment phát hành Vệ sĩ Sài Gòn tại Việt Nam.
Bộ phim kể về những chuyện dở khóc dở cười xảy đến với Viễn (Thái Hòa) và Trịnh (Kim Lý) khi họ bảo vệ Henry Lê (Bê Trần) - người thừa kế của một hãng sữa lớn trong thời gian anh ở Việt Nam chịu tang cha. Do Viễn sơ suất trúng mỹ nhân kế, Henry Lê bị bắt cóc.
Trên hành trình truy đuổi kẻ xấu, Viễn và Trịnh phát hiện một chàng trai bán phở có ngoại hình giống hệt Henry Lê. Cái khó ló cái khôn, Viễn đề nghị lợi dụng chàng trai này làm thế thân trong lúc tìm kiếm và giải cứu Henry Lê thật. Hành động khiến câu chuyện càng thêm rối rắm.
| Vệ sĩ Sài Gòn quy tụ nhiều gương mặt nổi tiếng của showbiz Việt như Thái Hòa, Kim Lý, Chi Pu, Bê Trần... Ảnh: CJ. |
Tuy quy tụ được những gương mặt quen thuộc như Thái Hòa, Kim Lý, Chi Pu, Bê Trần, nhưng bộ phim không nhận được phản hồi tích cực. Kịch bản tác phẩm hài - hành động bị nhận xét là thiếu logic và không thuyết phục được số đông
Do quá tập trung vào phần nhìn, cụ thể là những cảnh chiến đấu của hai nhân vật chính, bộ phim trở nên rời rạc, khó theo dõi. Lời thoại của các nhân vật mang cảm giác thiếu tự nhiên, không giống lời ăn tiếng nói của người Việt.
Theo thống kê, Vệ sĩ Sài Gòn thu được 39 tỷ đồng từ quá trình chiếu rạp, nằm trong danh sách 10 phim điện ảnh Việt ăn khách nhất năm 2016.
Tại sao Hollywood lựa chọn remake bộ phim?
Trước khi ra mắt, Vệ sĩ Sài Gòn được “chào hàng” là bộ phim không thua kém Hollywood với những pha hành động mãn nhãn xen lẫn yếu tố hài hước. Về tổng thể, tác phẩm có nhiều yếu tố xa lạ với khán giả Việt.
Trịnh và Viễn là con trai trong gia đình có truyền thống nhiều đời làm nghề vệ sĩ. Với họ, đây không chỉ là công ăn việc làm, mà còn là một niềm vinh dự. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nghề vệ sĩ chưa thực sự phổ biến và khán giả chỉ có thể hình dung mơ hồ về hai nhân vật chính.
Tiếp đó, mạch truyện liên quan tới các bang hội ở nửa sau bộ phim cũng dễ khiến người xem liên tưởng tới một tác phẩm hành động Hong Kong thập niên 1990.
Tuy nhiên, điểm yếu của Vệ sĩ Sài Gòn với khán giả Việt lại trở thành điểm mạnh khi tác phẩm được Hollywood chọn làm lại. Hình ảnh vệ sĩ, phi vụ bắt cóc hay các băng đảng tội phạm có tổ chức là những yếu tố kịch bản quá quen thuộc với khán giả phía bên kia bờ Thái Bình Dương.
| Yếu tố hài hước của phim có phần xa lạ với văn hóa và thị hiếu của công chúng Việt Nam. Ảnh: CJ. |
Hàng năm, kinh đô điện ảnh thế giới không thiếu các bộ phim hành động bao gồm một trong ba, hoặc chứa đựng đủ cả ba yếu tố kể trên. Bộ phim Extraction có sự góp mặt của Chris Hemsworth ra mắt hồi giữa năm chính là ví dụ điển hình.
Tiếp đến, được nhào nặn bởi một đạo diễn người Nhật Bản, Vệ sĩ Sài Gòn mang lại cảm giác rất “Tây” - từ cách sắp xếp bối cảnh, xây dựng tính cách nhân vật hay cài cắm tình huống gây cười.
Việc thiếu vắng dấu ấn đặc trưng của một nền văn hóa cụ thể (Việt Nam) khiến việc remake bộ phim trở nên dễ dàng hơn, và khán giả quốc tế có thể dễ mở lòng đón nhận thành phẩm.
Trong phim, Trịnh và Viễn là anh em, nhưng cũng là cộng sự trong các nhiệm vụ bảo vệ thân chủ. Họ vừa là cặp bài trùng, vừa là đôi đũa lệch: Trịnh cao ráo, giỏi giang, nghiêm túc, trong khi Viễn kém nhìn hơn, hám gái và tài lanh.
Trên thực địa, không ít lần Viễn trở thành cục đá làm quẩn chân Trịnh. Nhưng sau cùng, chỉ Viễn mới đủ thấu hiểu để trợ giúp Trịnh trong những tình huống ngặt nghèo. Nhờ đó, Trịnh cũng bớt khắc nghiệt với người anh em vào sinh ra tử.
Trịnh và Viễn mang đến cho Vệ sĩ Sài Gòn bầu không khí của thể loại “buddy cop” - dòng phim hành động hài hước xoay quanh nhân vật chính là cặp đồng sự trong nghề cảnh sát, điệp viên hoặc thám tử, với tính cách và ngoại hình trái ngược. Trên phim, họ sẽ từ thế cạnh tranh “ghét của nào trời trao của nấy” rồi tìm thấy tiếng nói chung và hợp tác ăn ý.
Trong những thập kỷ qua, đây là thể loại hái ra tiền tại Hollywood với nhiều tác phẩm ăn khách, như chùm phim Rush Hour có Thành Long và Chris Tucker, 21 Jump Street (2012) với Channing Tatum và Jonah Hill, Central Intelligence (2016) có Dwayne "The Rock" Johnson và Kevin Hart đóng chính…
Do đó, sức hút của dòng phim buddy cop cũng là một yếu tố giúp Vệ sĩ Sài Gòn lọt vào mắt xanh của các nhà làm phim Hollywood.
Cuối cùng, kinh đô điện ảnh thế giới đang đứng bên bờ vực cạn kiệt ý tưởng gốc. Làm lại các tựa phim cũ là một lựa chọn dành cho các nhà làm phim, bên cạnh hoạt động chuyển thể tác phẩm văn học, truyện tranh hay trò chơi điện tử… Tất cả đều nhằm đáp ứng nhu cầu xem phim mới ngày càng gia tăng của khán giả.
Bên cạnh việc remake các tựa phim ăn khách của chính mình, Hollywood đã mở rộng phạm vi tìm kiếm kịch bản sang các nền điện ảnh khác, như Oldboy của Hàn Quốc, Ringu của Nhật, Vô gián đạo của Hong Kong, Let the Right One in của Thụy Điển...
Không phải bộ phim làm lại nào của người Mỹ cũng thành công. Vệ sĩ Sài Gòn có thể có, có thể không, đóng góp vào danh sách những bộ phim Mỹ nổi danh được remake từ nguyên tác châu Á. Nhưng đây sẽ là một ví dụ thú vị và cho thấy tiềm năng của các tác phẩm điện ảnh Việt trên trường quốc tế.
Sources: zing |