NSƯT Diệu Thuần, sinh năm 1957, quê Cát Hải, huyện đảo Cát Bà, TP Hải Phòng. Chị sinh ra trong một gia đình nghèo không ai làm nghệ thuật. Chị kể: “Một lần các đạo diễn về quê tôi tuyển diễn viên, tôi liều vui chân theo đám bạn rủ nhau đi thi cho biết, ai ngờ lại trúng tuyển”.
NSƯT Diệu Thuần trong vai o Thùy (Ngày ấy bên sông Lam)
Chị khăn gói lên Hà Nội học lớp diễn viên khóa II của trường Điện ảnh Việt Nam cùng khóa với Minh Châu, Phương Thanh, Bùi Bài Bình, Thanh Quý, Hữu Mười, Bùi Cường… Chị tâm sự: “Lớp học của tôi toàn trai tài gái sắc, ai cũng xinh đẹp. Tôi chỉ là cô gái quê, vóc dáng bé nhỏ. Suốt bốn năm học, bạn bè cùng lớp đều được mời đóng phim, tôi không lọt vào “mắt xanh” của đạo diễn nào.
Tốt nghiệp về công tác tại xưởng phim truyện Việt Nam, cũng là lúc dòng phim thị trường video bùng phát, nhiều đồng nghiệp liên tiếp xuất hiện trên màn ảnh nhỏ. Gương mặt quê kiểng như tôi bị lãng quên. Có lúc nản và nghĩ hay mình chọn nhầm nghề?”.
Diệu Thuần yêu nghề diễn đến cháy lòng. Không được trời phú cho vẻ đẹp ngoại hình, chị tìm cho mình một lối diễn riêng, đào sâu vào tính cách nhân vật. Diệu Thuần mê đọc sách, chị thỏa sức tưởng tượng thế giới nhân văn tạo ra trong tác phẩm, diễn biến trong tính cách nhân vật… Những tình huống của mọi người sống quanh cũng giúp chị cóp nhặt nhiều bài học quý báu cho nghề diễn. Chị cho rằng quan trọng nhất của nghề diễn là cảm xúc. Chị luôn giữ cho mình nét hồn nhiên, tươi mới, cảm xúc chân thật mỗi khi vào vai. Buổi tối hôm trước ngày quay, chị lo nghĩ trăn trở, sống với nhân vật đến mất ngủ. Chị không dễ dàng tách bạch khỏi mạch cảm xúc khi cảnh quay đã kết thúc. Chị tâm niệm diễn viên vào vai với cảm xúc thật, khán giả mới tin. Nếu cảm xúc chai mòn thì không diễn được nữa.
Diệu Thuần vừa tích lũy vốn sống, kinh nghiệm diễn vừa kiên nhẫn chờ một vai diễn để đời. Đạo diễn Nguyễn Ngọc Trung được xưởng phim truyện Việt Nam giao làm phim “Ngày ấy bên sông Lam”, anh cần tìm một gương mặt diễn viên hồn hậu, mang đầy dáng vẻ cô thôn nữ Việt Nam để vào vai o Thùy, nhân vật chính của bộ phim, anh đã chọn Diệu Thuần. Diệu Thuần không phụ công người đã tin tưởng giao đứa “con tinh thần” cho mình. Chị hồ hởi, hồi hộp đọc kỹ kịch bản, nắm bắt diễn biến tính cách nhân vật, vào tận xứ Nghệ - quê hương phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh sống cùng với bà con nông dân chất phác. Họ coi chị như con cháu trong nhà, dạy chèo thuyền, nói năng, cư xử, cách ăn, cách mặc… Và chị vào vai Thùy “ngọt” như “Cô gái sông Lam” những năm 30 thế kỷ trước.
Vai diễn Thùy, Diệu Thuần “ẵm” gọn về cho mình hai giải thưởng lớn: Giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 6 (1986). Một giải thưởng nữa là… chị đã tìm thấy được nửa còn lại của mình. Tuy đã vào tuổi lên bà, nhưng đôi mắt chị vẫn sáng lên, khi kể về mối tình đầu, cũng là mối tình duy nhất của đời chị. Chị nhỏ nhẹ nói như trong mơ: “Khi ấy mình 23 tuổi, anh Vinh (NSND Phạm Quang Vinh) 35 tuổi. Tuy biên chế cùng Hãng phim truyện Việt Nam, nhưng mãi tới khi mình vào Nam đóng phim “Tội lỗi cuối cùng”, mình và anh mới biết nhau. Âu cũng là do duyên trời sắp đặt. Hôm đó mình đang ở ga Bình Triệu, hốt hoảng vì mất hết hành lý thì gặp anh. Anh vào Sài Gòn tìm bối cảnh cho phim “Ngày ấy bên sông Lam”.
Cùng trên chuyến tàu về Hà Nội, chúng tôi làm quen với nhau. Bất ngờ hơn, sau đó mình và anh cùng trong đoàn phim “Ngày ấy bên sông Lam”“. Ngày ấy đạo diễn, diễn viên, người phục vụ… tự nấu ăn riêng theo khẩu vị của mình. Mình và anh “góp gạo nấu cơm chung”, tình yêu bắt đầu từ đó. Bộ phim ghi dấu trong chúng tôi nhiều kỷ niệm không bao giờ quên. Khi thành vợ thành chồng, sinh được hai cháu. Để nhớ về những ngày đóng phim “Ngày ấy bên sông Lam”, chúng tôi đặt tên cho cậu cả là Phạm Quang Trung. Con gái thứ hai là Phạm Diệu Thùy. Quang Trung là tên khách sạn đoàn phim ở. Thùy là vai diễn chính của mình trong phim”.
Sau 30 năm gắn bó với Hãng phim truyện Việt Nam, chị đã kịp để lại nhiều vai diễn, cả chính lẫn phụ “Đi cùng năm tháng”; “Trở về Sam Sao”; Xoan - “Cuộc chia tay mùa hạ”; Mùi - “Cơn lốc biển”; bà mẹ bé Đa - “Tìm lại Đa” (phim Nhật Bản)… Hôm đến thăm chị, ngôi nhà nằm khuất trong ngõ nhỏ đường Hào Nam, đối diện cổng Nhạc viện Hà Nội, tôi được biết thêm, sau điện ảnh Diệu Thuần còn có một yêu thích nữa là hội họa. Diệu Thuần cho biết chị mê vẽ từ nhỏ, về già lúc công việc nhàn tản chị hứng thú đứng trước giá vẽ để gửi vào đó những nỗi niềm tâm trạng, lúc đó màu sắc, hình khối mới bật ra để chị được tái sinh trong thế giới màu sắc. Những bức tranh trở thành một phần quan trọng trong không gian gia đình chị, là một phần trong cuộc sống của chị.
Cuốn Diễn viên điện ảnh Việt Nam của Viện Nghệ thuật và Lưu trữ Điện ảnh (NXB VHTT 1994) đã dành những nhận xét trân trọng về Diệu Thuần: “Nét mộc mạc và đằm thắm vốn có trong tư chất người nữ diễn viên đã được thổi vào nhân vật một cách nhuần nhuyễn, khiến cho nhân vật của Diệu Thuần trở nên lung linh, nhiều sức biểu cảm”. Diệu Thuần được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1997, đó là ghi nhận tài năng, công lao của một nghệ sỹ với nền điện ảnh nước nhà.
Source: anninhthudo |
|