Người ta nhớ đến anh là một nam diễn viên có gương mặt đẹp như tài tử, diện mạo hào hoa, duyên dáng. Khán giản hẳn không thể quên anh vào vai trưởng thôn Lê Trung Kiên trong bộ phim truyền hình về đề tài nông thôn Người thổi tù và hàng tổng của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Là một người con của mảnh đất Hà Nội lịch lãm ấy vậy mà Quốc Tuấn đã hóa thân thành một anh nông dân chính hiệu, đặc sệt trong vai trò trưởng thôn tốt bụng, vui vẻ nhưng cũng không kém phần láu cá, lém lỉnh. Những sự việc, những câu chuyện làng xã được đạo diễn Phi Tiến Sơn đưa lên phim một cách rất gần gũi, thân quen.
Quốc Tuấn nhớ lại: “Hồi đi quay phim Người thổi tù và hàng tổng ở Xuân Phương - Từ Liêm, đang trong giờ nghỉ, tôi ngồi trên một chiếc xe bò. Bỗng thấy mấy thanh niên trai làng leo lên ngồi cạnh. Một cậu bảo: Cái đoàn làm phim này chán chết. Chẳng thấy mống diễn viên nào. Thế nhưng tôi lại thấy đó là giây phút hạnh phúc nhất với tôi. Bởi khi đó, tôi mới có thể cười một cách hồn nhiên, vô tư nhất với cậu thanh niên đó mà không sợ bị nhận ra mình là nghệ sỹ. Tôi úp chiếc mũ cối vào bụng và chìa tay ra nhận từ họ mấy điếu thuốc lá còn dây vết bùn”.
Quốc Tuấn, diễn viên, Người thổi tù và hàng tổng, 12A và 4H
Ngoài những bộ phim truyền hình với những nhân vật có tính cách duyên dáng, ấn tượng như trong các phim: Những người sống quanh tôi, Người thừa của dòng họ, Cuốn sổ ghi đời, Cô bé bên hồ, 12A và 4H, Chuyện tình người lính, Luật đời… đã đưa anh lên hàng “sao” trong giới diễn viên truyền hình miền Bắc, Quốc Tuấn còn tham gia diễn xuất ở nhiều bộ phim truyện nhựa với những vai diễn để lại ấn tượng không kém: Nơi núi rừng yên ả, Ai chết cho người đẹp, Vầng trăng lửa, Lời thì thầm của chiến tranh, Hà Nội mùa đông năm 46, Điện Biên Phủ trên không, Đường thư…
Anh kể, trong bộ phim Đường thư, tôi được đạo diễn Bùi Tuấn Dũng giao cho đảm nhận vai anh lính tên Tân. "Tân người Hà Nội nên đạo diễn đã yêu cầu tôi phải thể hiện ra chất một người chiến sỹ nhưng phải có một phong thái điềm đạm, phải có dáng đi thật Hà Nội. Là người gốc Hà Nội “xịn” nhưng tôi phải đau đầu vì “dáng đi Hà Nội” này. Bởi tôi không biết dáng đi Hà Nội nó phải thế nào". Chẳng thế mà nhiều người cho rằng, Quốc Tuấn chỉ thành công với những vai anh nông dân quê mùa, đôi khi ngờ nghệch.
Tuy vậy, thành công của bộ phim Đường thư có góp sức không nhỏ của Quốc Tuấn. Vốn đã thành công với những vai lính tráng mực thước nhưng lần này trong vai anh lính quân bưu, Quốc Tuấn đã thể hiện xuất sắc. Chất dày dạn, rắn rỏi của một anh quân bưu, cộng với chuyện bị người yêu bỏ đi lấy chồng được anh thể hiện một cách tinh tế và có sức thuyết phục.
Quốc Tuấn luôn được khán giả yêu mến. Ai đã xem 12A và 4H của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đều thấy Quốc Tuấn thể hiện hình ảnh một người thày giáo lịch lãm và chững chạc. Gặp vai nào, tính cách nhân vật ra sao, anh đều có thể “nhập” được. Vì thế, khán giả mới nhớ được một Quốc Tuấn với anh trưởng thôn, anh bộ đội và người thày giáo không lẫn vào ai được.
Chuyển nghề đạo diễn vì... đã già, hết hấp dẫn
Quốc Tuấn, diễn viên, Người thổi tù và hàng tổng, 12A và 4H
Quốc Tuấn nói rằng, hành trình đi tìm sự sống, giành giật sự sống cho con đã giúp anh có một cái nhìn sâu sắc về cuộc đời. Đó chính là bước ngoặt lớn trong cuộc đời anh. Suốt gần 10 năm vắng bóng trên màn ảnh, giờ đây anh đã trở lại với nghệ thuật với cương vị đạo diễn.
Khi tôi hỏi: “Từ một diễn viên trở thành một đạo diễn, hẳn là anh gặp rất nhiều thử thách, khó khăn?” Anh bảo: “Nhiều chứ. Sự chuyển đổi vị trí này tôi chuẩn bị rất kỹ càng. Tôi nghĩ, nghiệp diễn viên đã giúp tôi có nhiều trải nghiệm, bản lĩnh, cho tôi một tư duy chắc chắn khi bước sang vai trò một đạo diễn. Tôi đã bắt đầu già rồi, tôi không còn hấp dẫn như một số bạn đồng nghiệp trẻ có lợi thế về hình ngoại hình. Tất cả những điều đó khiến tôi khao khát trở thành một nhà làm phim. Tôi đã gặp không ít khó khăn khi bắt đầu lấn sân sang làm đạo diễn. Bởi trên thực tế hiện nay chúng ta đang thiếu trầm trọng những kịch bản hay. Nên tôi thích tự viết kịch bản để mình đạo diễn”.
Từ diễn viên trở thành đạo diễn như anh là một bước tiến dài. Anh tốt nghiệp đạo diễn xuất sắc sau 4 năm theo học tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, khóa 2000-2004. Bộ phim truyền hình đầu tay do anh làm đạo diễn mang tên Trái tim kiêu hãnh dài 75 tập. Quốc Tuấn một mình ấp ủ ý tưởng cho bộ phim này từ năm 2004 đến lúc bắt tay vào viết kịch bản mất tới gần 5 năm trời. Nhưng may mắn cuối cùng anh vẫn “hái được quả ngọt”. Bộ phim nhận được phản hồi tốt từ phía đồng nghiệp và khán giả.
Anh cho biết, sau bộ phim truyền hình dài tập đầu tay trên, anh đang nung nấu một kịch bản phim nhựa với cái tên Con cầu tự. Chắc chắn một ngày nào đó, Quốc Tuấn sẽ không làm mọi người phải thất vọng.
Source: vietnamnet |
|