Thẩm Thúy Hằng (born 1940) là một diễn viên Việt Nam nổi tiếng. Được xem là ngôi sao sáng nhất của điện ảnh thương mại miền Nam Việt Nam giai đoạn cuối thập niên 1950 đến cuối thập niên 1970, bà tham gia rất nhiều bộ phim, trong đó nhiều phim hợp tác với Mỹ, Philippines, Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản... Tên tuổi của bà không chỉ nổi tiếng tại Việt Nam mà còn được biết tới tại các nước trong khu vực.
Thẩm Thúy Hằng tên thật là Nguyễn Kim Phụng, có tên Thánh là Jeane.Cụ thân sinh chuyển ra Bắc làm việc nên bà sinh ra tại Hải Phòng, nhưng sau đó cùng gia đình trở về miền Nam (1941) và lớn lên ở An Giang. Thân phụ bà là một viên chức trong chính quyền Quốc gia Việt Nam, mất sớm khi bà mới 13 tuổi.
Thuở nhỏ, bà theo học trường Huỳnh Văn Nhứt - Long Xuyên, sau đó, bà lên Sài Gòn sống với người chị và theo học trường Huỳnh Thị Ngà - Tân Định đến hết năm Đệ tứ (tức là lớp 9 trong hệ thống giáo dục bây giờ) . Năm 16 tuổi, bà lén gia đình tham gia cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh của hãng phim Mỹ Vân và đạt giải nhất của cuộc thi sau khi vượt qua 2000 thí sinh khác. Ông bà chủ hàng phim Mỹ Vân đã đặt cho bà nghệ danh Thẩm Thúy Hằng.
Sự Nghiệp
Vai diễn đầu tiên của Thẩm Thúy Hằng là vai Tam Nương trong phim Người đẹp Bình Dương của đạo diễn Năm Châu năm 1958. Trong bộ phim này, cô diễn xuất bên cạnh nam diễn viên Nguyễn Đình Dần. Người đẹp Bình Dương đã đem tên tuổi của Thẩm Thúy Hằng đến với công chúng.
Sau đó, bà đã tham gia rất nhiều bộ phim, lập kỷ lục là diễn viên đóng nhiều phim nhất của thập niên 1950, 1960.
Năm 1969, bà đứng ra thành lập nhóm làm phim riêng mang tên Thẩm Thúy Hằng, tiền thân của hãng Vilifilms nổi tiếng ở Sài Gòn sau này. Bộ phim đầu tiên của bà trong vai trò chủ hãng là Chiều kỷ niệm. Đạo diễn phim là Lê Mộng Hoàng cùng các diễn viên: Năm Châu, Kim Cúc, Phùng Há, Thanh Tú, Huy Cường, Việt Hùng, Ngọc Nuôi... Sự thành công rực rỡ của Chiều kỷ niệm làm tên tuổi của Thẩm Thúy Hằng thêm nổi tiếng. Bà tiếp tục cho ra đời thêm các bộ phim Nàng, rồi Ngậm ngùi, đều thu được thành công rực rỡ.
Cô tham dự nhiều liên hoan phim, xuất hiện tại Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Indonesia...
Không chỉ điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng còn tham gia lĩnh vực sân khấu, đóng kịch và diễn cải lương. Ban Thẩm Thúy Hằng là một trong những ban kịch được yêu thích ở Sài Gòn thời gian đó. Trong vai trò trưởng ban, cô viết kịch bản, dàn dựng và đóng vai chính. Một số vở thành công như Người mẹ già, Suối tình, Đôi mắt bằng sứ... Trên sân khấu cải lương, Thẩm Thúy Hằng có vai vũ nữ Cẩm Lệ trong vở Bóng chim tăm cá của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga...
Sau 1975, Thẩm Thúy Hằng ở lại Việt Nam. Cô tiếp tục tham gia những bộ phim điện ảnh Cách mạng như: Như thế là tội ác, Ngọn lửa Krông Jung, Hồ sơ một đám cưới, Đám cưới chạy tang, Cho cả ngày mai, Nơi gặp gỡ của tình yêu... Ở lĩnh vực sân khấu, Thẩm Thúy Hằng có những vai diễn dáng chú ý trong Cho tình yêu mai sau, Đôi bông tai, Hoa sim gai trắng, Biệt thự hoang tàn... Vai diễn cuối cùng của Thẩm Thúy Hằng là vai Phồn Y trong vở Lôi Vũ của đoàn kịch Kim Cương.
Bà đã được nhà nước Việt Nam phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Đời tư
Năm 1959, bà lập gia đình với một người chồng lớn hơn bà 2 tuổi, theo sự sắp xếp của mẹ và các anh. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân tan vỡ sau 5 năm, dù 2 người đã có chung 1 đứa con (sinh năm 1961).
Năm 1968, bà gặp ông Tony Nguyễn Xuân Oánh, một Tiến sĩ Kinh tế lớn hơn bà 19 tuổi, từng làm Thống đốc Ngân hàng rồi Phó thủ tướng Việt Nam Cộng hòa. Chính ông là người giúp đỡ bà lập ra hãng phim Thẩm Thúy Hằng. Năm 1970, bà chính thức lên xe hoa lần thứ 2. Sau năm 1975, ông từng được bầu làm Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, rồi làm cố vấn kinh tế cho Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, và Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Hai người có với nhau 4 người con.
Những phim tham gia
Trước 1975[sửa | sửa mã nguồn]
Người đẹp Bình Dương (1958)
Áo dòng đẫm máu (1960)
Oan ơi ông Địa (1961)
Tơ tình (1963)
Bóng người đi (1964)
Nàng (1970)
Như hạt mưa sa (1971)
Xin đừng bỏ em 1970
Sóng tình (1972)
Tứ quái Sài Gòn (1973)
Điệp vụ tìm vàng (1973)
Năm vua hề về làng (1974)
Giỡn mặt tử thần (1975)
Sau 1975
Như thế là tội ác
Hồ sơ một đám cưới
Đám cưới chạy tang
Ngọn lửa Krông Jung (1980)
Nơi gặp gỡ của tình yêu (1980)
Cho cả ngày mai (1981)
Source: wikipedia |
|